“Hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được đưa vào Luật Hình sự nhưng việc trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội cần được giải quyết bằng xử lý hành chính hoặc quan hệ lao động trước khi khởi kiện doanh nghiệp”- ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, hình sự hóa việc trốn đóng bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp là việc làm mà Bộ LĐ-TB&XH không mong muốn. Tuy nhiên, tình trạng chậm, nợ đóng bảo hiểm xã hội những năm gần đây gia tăng làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chậm đóng do gặp khó khăn thực sự nhưng một số doanh nghiệp lợi dụng không đóng bảo hiểm cho người lao động để giảm chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. “Vì vậy, hình sự hóa hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội là việc ‘cực chẳng đã’,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề trên, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết việc hình sự hóa trốn đóng bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng với những doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Những doanh nghiệp vì khó khăn hoặc vì nguồn tiền kinh doanh chưa về kịp nên chậm đóng bảo hiểm xã hộ cho người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội từ trước tới nay vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp chậm đóng một vài tháng.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho rằng việc đưa doanh nghiệp ra tòa là biện pháp cuối cùng. Ảnh: VIẾT LONG
Việc một số doanh nghiệp thắc mắc về việc chậm đóng hay trốn đóng sẽ rất khó phân biệt và nếu không có quy định rõ ràng thì rất dễ để doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý, ông Tống Hải Nam cho rằng Vụ Bảo hiểm xã hội sẽ tham mưu với Bộ Tư pháp để có hướng dẫn rõ ràng, phù hợp, tránh áp dụng máy móc quy định này.
Được biết, Bộ LĐ-TB&XH, cũng đang chỉ đạo các đơn vị liên quan của Bộ rà soát lại tất cả những quy định liên quan tới lao động trong Bộ Luật hình sự 2015 (hoãn thi hành), nhằm có thể giải quyết được bằng biện pháp hành chính hoặc quan hệ lao động thì sẽ sử dụng trước khi dùng biện pháp hình sự.
Từ tháng 7-2016 trở đi, theo Điều 216, Bộ Luật hình sự 2015: “Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên ”với số tiền không đóng từ 50 triệu đồng hoặc không đóng cho từ 10 người trở lên, thì sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến bảy năm. Đồng thời, pháp nhân công ty trốn đóng bảo hiểm cũng bị phạt từ 200 triệu đến 3 tỉ đồng. |