Sẽ có nghị định mới về việc 'xuất trình sổ hộ khẩu'

(PLO)- Bộ Công an đang tích cực tham mưu với Chính phủ xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung 19 nghị định có liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị chuyển đổi số lần thứ nhất năm 2022 và công bố ngày chuyển đổi số ngành công an.

Tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, chính thức công bố ngày 10-10 hằng năm là ngày chuyển đổi số công an nhân dân. Đây cũng chính là ngày chuyển đổi số quốc gia.

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành tại hội nghị chuyển đổi số ngành công an. Ảnh: TRUNG KIÊN

Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành tại hội nghị chuyển đổi số ngành công an.
Ảnh: TRUNG KIÊN

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, tháng 5-2022, bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định ban hành kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban chỉ đạo về chuyển đổi số Bộ Công an. Đến tháng 9-2022, toàn lực lượng đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ và phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu đề ra trong những tháng cuối năm.

Trong những kết quả đạt được, điểm nhấn là Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 59/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử. Đồng thời, bộ đang tích cực tham mưu xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung 19 nghị định có liên quan đến xuất trình sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT) giấy khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).

Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú 2020, bắt đầu từ ngày 1-1-2023, SHK giấy, STT giấy sẽ chính thức bị “khai tử”, không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử thay vì sổ giấy như bấy lâu nay.

Mới đây, Cục C06 Bộ Công an có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban ngành khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết TTHC, giao dịch dân sự của người dân thì căn cứ vào thông tin trên CCCD gắn chip điện tử, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú và nghiên cứu, sử dụng các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư… để xác định nơi cư trú của công dân.

Các bộ, ngành cũng cần tập trung rà soát, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến SHK, STT hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Cư trú 2020, không yêu cầu công dân xuất trình SHK, STT.

Từ nay đến cuối năm 2022, ngành công an sẽ cung cấp toàn bộ 227/227 dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC cho người dân.

Cũng tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết Bộ Công an đã hoàn thành cung cấp 192/227 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành công an trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công Bộ Công an, trong đó có chín dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06.

Nhiều dịch vụ công trực tuyến của ngành công an đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân như đăng ký lưu trú, cấp hộ chiếu phổ thông, đăng ký phương tiện giao thông đến công an cấp xã…

Ngành công an cũng cung cấp sáu tiện ích cho xã hội, gồm sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công; sử dụng thẻ CCCD, VNeID thay thế cho thẻ BHXH; sử dụng CCCD thay thế thẻ ATM; chấm điểm tín dụng phục vụ cho vay tín chấp; kết nối với hợp đồng điện tử xác thực phục vụ thu thuế và truy thu thuế; làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thuê bao di động.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay từ nay đến cuối năm 2022, ngành công an sẽ cung cấp toàn bộ 227/227 dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC cho người dân trên môi trường điện tử; phối hợp cung cấp hai dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, khai tử và 28 dịch vụ công theo Quyết định 422 của Thủ tướng; tích hợp bằng lái xe trên ứng dụng VNeID.

Đến năm 2023, ngành công an cung cấp thêm các dịch vụ, tiện ích như tích hợp tài khoản định danh điện tử trên cổng dịch vụ công quốc gia; sử dụng ứng dụng VNeID trong bảo hiểm y tế, giáo dục, thương mại điện tử…; thực hiện bỏ phiếu, bầu cử điện tử, khảo sát, lấy ý kiến của người dân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm