Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã chuyển tới các đại biểu (ĐB) QH dự thảo cuối cùng BLTTHS sửa đổi. Theo đó, nhiều vấn đề mới vốn gây tranh cãi đã được chốt phương án cuối cùng theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền con người trong tố tụng hình sự.
Cụ thể về quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị áp dụng bắt buộc với tất cả vụ án, song cũng nhiều ý kiến khác cho rằng chỉ nên áp dụng với các trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, bị can kêu oan, không nhận tội hoặc với vụ án phức tạp mà dư luận quan tâm. Vì ý kiến còn khác nhau, Ủy ban Thường vụ QH đã lấy phiếu thăm dò ĐBQH, có gần 46% đồng ý phương án mở rộng, áp đảo tỉ lệ 34% muốn thu hẹp. Dự thảo cuối cùng đã nghiêng theo ý kiến đa số này.
Tương tự, một chương gồm tám điều về “biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt”, áp dụng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền và các tội phạm khác có tổ chức hoặc thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng có hai luồng quan điểm khác nhau là đồng ý và phản đối. Kết quả lấy phiếu thăm dò ĐBQH cho thấy có tới 66,39% ý kiến tán thành so với 12,55% phản đối. Do đó chương đặc biệt này đã có mặt trong dự thảo cuối cùng.
Như thế với tội phạm tham nhũng, sau thời gian dài cân nhắc, tới đây cơ quan tố tụng sẽ có quyền ghi âm, ghi hình bí mật, nghe lén điện thoại, thu thập dữ liệu điện tử để chứng minh tội phạm.
Để tránh lạm dụng dẫn tới xâm phạm quyền con người, việc sử dụng các biện pháp điều tra đặc biệt này sẽ được kiểm soát đặc biệt theo cách thủ trưởng CQĐT cấp tỉnh trở lên mới có quyền quyết định áp dụng và phải được viện trưởng VKSND cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa cũng gây nhiều tranh cãi. Phía Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam liên tục có văn bản kiến nghị bỏ thủ tục này. Gần đây nhất, Chính phủ cũng có văn bản đề nghị thay quy định cấp giấy chứng nhận bằng quy định “đăng ký bào chữa”. Phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH cho thấy 59% ý kiến đề nghị bỏ để tránh nhận thức cho rằng phải có “cấp phép” thì LS mới được tham gia bào chữa - cao gấp đôi tỉ lệ 21,86% đề nghị giữ. Với tinh thần ấy, một chương riêng về “bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự” được thiết kế lại theo hướng: LS chỉ cần xuất trình thẻ cùng giấy mời LS của người bị buộc tội hoặc thân nhân của họ; trong vòng 24 giờ cơ quan tiến hành tố tụng phải vào sổ đăng ký người bào chữa và gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho LS, cũng như cơ sở giam giữ để LS có thể tham gia tố tụng được ngay.
Đáng chú ý trong trường hợp người bị bắt, tạm giữ, tạm giam có ý từ chối LS do gia đình mời thì LS được gặp trực tiếp thân chủ để xác nhận. Như thế sẽ không còn việc CQĐT đơn phương thông báo ý kiến của người bị bắt, giữ, tạm giam như lâu nay nữa.
Theo chương trình, dự thảo cuối cùng này sẽ được trình QH thông qua ngày 27-11, ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII này. Kèm theo đó, QH cũng sẽ thông qua một nghị quyết về thi hành BLTTHS để xử lý các vấn đề chuyển tiếp giữa luật cũ - luật mới.