Sẽ giảm 240.000 biên chế sự nghiệp công lập?

Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra có thể được coi là hội nghị chuyên đề về tổ chức bộ máy. Bên cạnh đề án lớn, tổng thể về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Trung ương còn bàn một đề án “không nhỏ” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

“Không nhỏ” là bởi nội dung này tác động tới hơn 2,44 triệu người đang công tác ở 57.995 đơn vị sự nghiệp. “Không nhỏ” còn vì 82,6% số đơn vị này thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đang cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho cả xã hội.

Tác động tới hơn 2,44 triệu người

Trong kinh tế thị trường, dịch vụ là một loại hàng hóa mà ít nhất phải được tính đúng, tính đủ chi phí. Vậy nhưng trải qua hơn 30 năm chuyển đổi, theo các nghiên cứu của Chính phủ, cả nước mới có khoảng 3,54% đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ được tài chính, 22,36% tự đảm bảo được một phần và còn lại 72,67% là ngân sách phải đảm bảo toàn bộ.

Những năm qua, một số cơ chế khuyến khích xã hội hóa nhằm giảm bớt sức ép lên ngân sách cũng như tạo không gian gần với thị trường hơn trong cung cấp dịch vụ công đã được các cơ quan chính phủ ban hành. Tuy nhiên, do thiếu bài bản mà đâu đó vấp phải phản ứng ngược mà câu chuyện “lạm thu” đầu năm học vẫn còn nóng là một biểu hiện.

Trong khi đó, nếu không đổi mới thì năng lực cung cấp dịch vụ công sẽ ngày càng tụt hậu trước nhu cầu ngày càng tăng về cả số và chất lượng của người dân, nhất là ở các đô thị. Chưa kể, không đổi mới thì ngân sách khó có thể dành ra cho đầu tư phát triển. Bởi chỉ riêng chi cho sự nghiệp đang chiếm tới 44% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Vậy nên Trung ương Đảng lần này đang thảo luận để ra quyết sách, giải pháp cụ thể, đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, trước hết đảm nhận tốt vai trò cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu và nâng cao khả năng tiếp nhận dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân. Mục tiêu tổng quát là giảm mạnh tỉ trọng chi ngân sách cho khu vực này, tạo điều kiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước và cải cách tiền lương.

Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra có thể được coi là hội nghị chuyên đề về tổ chức bộ máy. Ảnh: TTXVN

Sẽ tinh giản chức danh kế toán, tài xế…

Với mục tiêu nêu trên, Ban cán sự đảng Chính phủ đề xuất một số chính sách cứng rắn, trước hết kiểm soát chặt việc lập mới đơn vị sự nghiệp công lập. Chẳng hạn, giống kiểm soát giấy phép con thì văn bản pháp luật chuyên ngành không được cài cắm việc lập, mở rộng cơ cấu tổ chức, bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu nhất thiết phải lập mới thì đơn vị đó phải tự bảo đảm kinh phí.

Đồng thời, hệ thống này sẽ được sắp xếp lại theo hướng một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ cùng loại, qua đó khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lặp chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư tư nhân, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập với ngoài công lập. Chuyển các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện thành công ty cổ phần.

Về biên chế, sẽ cắt giảm mạnh số lao động đơn giản, qua đó tăng tỉ lệ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ lên ít nhất 65%. Như vậy, sẽ tinh giản chức danh kế toán, y tế học đường, tài xế, bảo vệ, nhân viên phục vụ để các đơn vị sự nghiệp công lập tự cân đối kinh phí hoặc thuê ngoài. Chấm dứt tình trạng chính quyền địa phương, sở, ngành tự phê duyệt, giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng đã được giao hoặc thẩm định.

Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập có thể dẫn tới dư, tăng cấp phó. Tối đa ba năm sau sáp nhập phải điều chuyển, sắp xếp đưa về số lượng theo quy định. Lãnh đạo bị điều chuyển chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm. Thực hiện nghiêm việc chưa có cấp phó nghỉ hưu thì chưa được bổ nhiệm bổ sung.

Nhà nước chỉ lo những cái thiết yếu

Cơ chế tài chính cho sự nghiệp công lập phải được hoàn thiện, đồng bộ với các giải pháp nêu trên. Theo đó chuyển đổi mạnh từ cơ chế phí sang cơ chế giá dịch vụ. Ngân sách nhà nước chỉ tập trung đảm bảo đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu như giáo dục mầm non, phổ thông, y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám chữa một số bệnh đặc biệt như phong, lao, tâm thần, bảo trợ xã hội… và cho các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng dân tộc ít người. Phần còn lại sẽ dựa chủ yếu vào đầu tư tư nhân, xã hội hóa.

Với các giải pháp này, Chính phủ đặt mục tiêu cụ thể: Từ nay đến hết nhiệm kỳ 2021, giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương ngân sách trong khu vực này. Phấn đấu nâng số đơn vị tự chủ tài chính lên 10%. Trong thời gian này phải hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục. Chỉ tiêu này cũng được đặt ra cho giai đoạn tiếp theo, đến năm 2025 và 2030.

Với mục tiêu này, trong vòng bốn năm tới, ít nhất 240.000 lao động trong các đơn vị sự nghiệp sẽ phải chuyển ra ngoài hoặc thay đổi chế độ từ hưởng lương ngân sách sang ký hợp đồng với đơn vị sử dụng lao động.

Ngày làm việc thứ hai của Hội nghị Trung ương 6

Ngày làm việc thứ hai, 5-10, Trung ương thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018 (nội dung chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội cuối năm, vào nửa cuối tháng 10). Trong ngày này, Trung ương cũng thảo luận đề án về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đề án về công tác dân số trong tình hình mới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.