Sẽ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn trung tâm TP.HCM

Ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết giai đoạn 2016 – 2020 đơn vị đã hoàn thành 143 dự án ngầm hóa lưới điện với tổng khối lượng 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế và 34,5 km lưới điện cao thế 110kV.

Hiện nay tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn TP.HCM tăng từ 32% vào cuối năm 2015 lên 45% (kế hoạch đề ra là 35%). Cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện và dây thông tin khu vực trung tâm TP, cụ thể tỉ lệ ngầm hóa lưới trung thế quận 1 và quận 3 đạt tỉ lệ 98%; khu vực nội thành các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, và Gò Vấp đạt tỉ lệ 60%.

Thêm vào đó, EVNHCMC đã hoàn tất cải tạo ngầm hóa lưới điện tại các tuyến đường chính trong khu vực nội thành, các tuyến đường liên quận và thực hiện hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại nhiều tuyến đường trong khu vực trung tâm TP (ưu tiên quận 1,3).

Theo ông Bành Đức Hoài, các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc đảm bảo mỹ quan đô thị TP. Hệ thống dây thông tin được ngầm hóa đồng bộ với lưới điện tạo thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về một đô thị hiện đại, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của TP.

TP.HCM phấn đấu ngầm hóa lưới điện trung thế toàn bộ khu vực. Ảnh: HƯƠNG THẢO.

Có thể thấy rằng lưới điện TP ngày càng được chuẩn hóa, kiện toàn về kết cấu, có độ dự phòng cao, đáp ứng tiêu chuẩn N-1 (dự phòng cấp 1), đặc biệt một số khu vực trung tâm TP đã có lưới điện đáp ứng tiêu chuẩn N-2 (dự phòng cấp 2).

Chính vì vậy, độ tin cậy cung cấp điện của EVNHCMC được nâng cao qua từng năm, cụ thể: SAIFI (số lần mất điện bình quân) giảm dần từ 6,72 lần xuống còn 0,77 lần trong giai đoạn 2015 – 2019 (tương ứng giảm 88,54%); SAIDI (thời gian mất điện bình quân) giảm từ 720 phút xuống còn 58,46 phút từ năm 2015 đến năm 2019.

Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác phối hợp thi công ngầm hóa lưới điện vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn trong vấn đề thỏa thuận tuyến. Không những thế, khi triển khai thi công, EVNHCMC cũng thường xuyên xử lý vướng mắc liên quan đến nhiều công trình ngầm hoặc phải sửa đổi, hiệu chỉnh thiết kế nhiều lần.

Ngoài ra, một số dự án phải điều chỉnh tiến độ để thi công đồng bộ với dự án giao thông hoặc thoát nước. Công tác bố trí lắp đặt thiết bị cũng gặp không ít khó khăn do một số hộ dân chưa đồng thuận về vị trí lắp hoặc các tuyến đường không có vỉa hè, cũng như tình trạng vỉa hè không thông thoáng bố trí thiết bị.

Tóm lại, công tác cải tạo, ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin đã góp phần giảm tổn thất điện năng, giảm suất sự cố, đảm bảo an toàn trong vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đồng thời nâng cao năng lực truyền tải, tăng cường chất lượng dịch vụ cung ứng điện cho khách hàng.

Song song đó, việc quản lý tập trung hệ thống công trình hạ tầng ngầm kỹ thuật đô thị (gồm dây điện, dây thông tin, cáp truyền hình, chiếu sáng và đèn tín hiệu giao thông...) sẽ giúp giảm diện tích sử dụng đất của các công trình hạ tầng kỹ thuật, góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị TP. Trên cơ sở đó tiến tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin đáp ứng chuẩn đô thị hiện đại, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát và triển kinh tế xã hội của TP.

Việc ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của EVNHCMC trong giai đoạn 2021-2025 với 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế.

Cụ thể, đến năm 2025, EVNHCMC phấn đấu đạt tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế từ 50% đến 60% cho toàn TP, trong đó các quận nội thành đạt tỉ lệ 80% đến 90% (riêng các quận 1, 3, 5 đạt tỉ lệ ngầm hóa gần 100%). Đối với công tác ngầm hóa lưới điện hạ thế, EVNHCMC phấn đấu đến năm 2025 toàn TP đạt tỉ lệ từ 35% đến 40%, (trong đó khu vực trung tâm TP đạt tỉ lệ ngầm hóa 80%.)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới