Sẽ phát huy mọi nguồn lực để phát triển Bình Chánh

(PLO)- Sau 20 năm chia tách địa giới hành chính, quá trình đô thị hóa huyện Bình Chánh diễn ra nhanh và huyện đối diện với nhiều thách thức nhưng cũng có những thuận lợi để phát triển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhằm đánh giá một cách toàn diện cũng như nhìn nhận các thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển huyện Bình Chánh (TP.HCM) 20 năm qua, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Nam (ảnh), Bí thư Huyện ủy Bình Chánh.

P8_anhtem_TranVanNam.jpg
P8_anhbai.jpg
Huyện Bình Chánh, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Ảnh: NGUYỄN SINH THÀNH

Mỗi giai đoạn đều có thách thức

. Phóng viên: Qua 20 năm chia tách địa giới hành chính, ông đánh giá thế nào về quá trình phát triển của huyện Bình Chánh?

+ Ông Trần Văn Nam: Trước khi chia tách, huyện Bình Chánh gồm một thị trấn An Lạc và 19 xã với tổng diện tích tự nhiên 304,5723 km2, tổng dân số 576.409 người. Hệ thống hành chính của huyện gồm HĐND - UBND cấp huyện và cấp xã, thị trấn.

Thực hiện Nghị định 130/2003 của Thủ tướng về việc chia tách địa giới hành chính, TP tách huyện Bình Chánh và thành lập mới quận Bình Tân.

Đến ngày 2-12, huyện Bình Chánh đã thực hiện xong việc chia tách trên cơ sở chia tách ba xã và một thị trấn (Tân Tạo, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa và thị trấn An Lạc) để thành lập 10 phường thuộc quận Bình Tân. Sau lễ công bố thành lập quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đã tổ chức lễ công bố chuyển xã Tân Túc thành thị trấn Tân Túc. Huyện có 15 xã và một thị trấn, diện tích tự nhiên 25.268,56 ha, dân số 254.635 người.

Sau khi chia tách, huyện gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu, trụ sở làm việc chưa có (làm việc tạm tại Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao), thu ngân sách nhà nước đạt thấp (156 tỉ đồng vào năm 2004). Đội ngũ cán bộ ban đầu còn thiếu, chưa đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.

Đời sống của một bộ phận dân cư nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu còn gặp nhiều khó khăn. Số hộ nghèo theo tiêu chí mới còn khá lớn, mức sống so với mặt bằng chung còn thấp, việc thoát nghèo chưa thật sự bền vững.

Nói chung trong 20 năm qua, không có lúc nào là dễ dàng, mỗi giai đoạn đều có những khó khăn và thách thức.

“Trong 20 năm qua, không có lúc nào là dễ dàng, mỗi giai đoạn đều có những khó khăn và thách thức.”

Ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh

Dự báo nhiều lĩnh vực sẽ còn gặp khó

. Với quá trình phát triển rất nhanh của TP.HCM, huyện đã đối mặt với những khó khăn gì và có những biện pháp nào để tháo gỡ, thưa ông?

+ Quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện đang diễn ra nhanh, dân số của huyện hiện hơn 815.000 người và sẽ luôn ở mức cao do tăng cơ học (trung bình 30.000 người/năm). Dự báo lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị, môi trường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn và còn diễn biến phức tạp.

Huyện đã thực hiện nhiều chương trình như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được xác định là một trong những chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020. Bên cạnh đó còn có các chương trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, cải thiện hạ tầng, giao thông, đời sống xã hội…

Với nhiều giải pháp, hiện kinh tế huyện ngày càng khởi sắc, phát triển nhanh và bền vững với tốc độ tăng bình quân là 22,2%/năm và chuyển dịch theo hướng “công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông nghiệp”. Thu ngân sách nhà nước tăng gấp gần 14 lần so với năm 2004. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện hiệu quả, từng bước thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Huyện đã kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 16,19% còn 0,31%, hộ cận nghèo còn 0,53%.

Bình Chánh là huyện có tốc độ đô thị hóa cao

Bình Chánh là một huyện ngoại thành của TP.HCM. Huyện được biết đến là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, dân cư đông đúc. Huyện có vị trí địa lý thuận lợi bởi nằm ở cửa ngõ hành lang chính của khu vực phía tây, tây bắc và phía nam TP, với nhiều địa điểm tham quan, di tích lịch sử...

Đây là huyện có dân số đông nhất cả nước và cũng là đơn vị hành chính cấp huyện có dân số đông thứ tư cả nước, chỉ sau TP Biên Hòa (Đồng Nai), TP Thủ Đức và quận Bình Tân (theo thống kê dân số năm 2019).

Sẽ phát huy mọi nguồn lực để phát triển

. Tương lai huyện Bình Chánh sẽ phát triển như thế nào, thưa ông? Đặt trong bối cảnh TP.HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 trong tương lai?

+ Huyện Bình Chánh với nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý là cửa ngõ phía tây của TP.HCM và đang trong quá trình đô thị hóa rất nhanh với quỹ đất rộng lớn.

Các đồ án quy hoạch của huyện đã và đang tiếp tục được rà soát, điều chỉnh cùng với quy hoạch chung xây dựng TPHCM. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài huyện, tạo động lực mới cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

Huyện xác định tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đồng thời phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và lợi thế so sánh của huyện để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ giữ vai trò là động lực tăng trưởng và phát triển nông nghiệp đô thị.

. Xin cảm ơn ông.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm