Như PLO đã thông tin ngày 25-6, Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết vừa phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn phát hiện ngăn chặn một vụ vận chuyển trái phép gần 470.000 USD từ Campuchia về Việt Nam.
Ngoại tệ 470.000 USD bị lực lượng chức năng thu giữ
Trước đó ngày 24-6, tổ công tác đã phát hiện một người đi thuyền máy nhỏ chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện khả nghi nên yêu cầu dừng kiểm tra.
Tuy nhiên, người này không chấp hành mà lái thuyền bỏ chạy, thấy tổ công tác áp sát, truy đuổi thì người này liền vội cặp vào bờ rồi chạy bộ về phía biên giới Campuchia.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên phương tiện có một bọc ni lông được quấn băng keo, bên trong có chứa 47 cọc tiền ngoại tệ qua kiểm đếm là 470.000 USD.
Vấn đề pháp lý nhiều người quan tâm là theo quy định số tiền này sẽ được xử lý như thế nào?
Luật sư Trần Quốc Tuấn, Đoàn luât sư tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu đúng như thông tin của lực lượng chức năng cho rằng đây là một vụ vận chuyển tiển bất hợp pháp thì, có thể thấy số ngoại tệ này mang dấu vết tội phạm. Số tiền này có thể được coi là vật chứng của vụ án hình sự.
Về việc xử lý luật sư Tuấn cho biết nếu cơ quan chức năng đã thông báo tìm chủ sở hữu mà không ai đến nhận thì theo quy định tại điều 106 của BLTTHS thì việc xử lý vật chứng sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra được giao nhiệm vụ tiến hành xử lý, tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể, điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015 quy định:“Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.”
Nếu xác định không phải là tang vật của vụ án hình sự thì sẽ thực hiện tìm kiếm và xử lý theo thủ tục của BLDS theo quy định tại điều 228 (về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu).