Sẽ thông qua BLHS sửa đổi tại kỳ họp thứ 3?

Rút kinh nghiệm BLHS 2015 chưa có hiệu lực đã phát hiện cả trăm sai sót, tại phiên thảo luận hội trường của Quốc hội (QH) ngày 26-10, nhiều ý kiến cho rằng nên sửa luật toàn diện, không hạn chế nội dung, không hạn chế thời gian. Tuy nhiên, cũng có những đại biểu (ĐB) QH đề nghị chỉ sửa các lỗi “sai sót về bản chất”, có mốc thời gian cụ thể vì nếu chậm sửa BLHS 2015 sẽ khiến hàng loạt bộ luật, luật liên quan khác bị đình trệ.

Vẫn hai luồng quan điểm

Theo tờ trình của Chính phủ về việc sửa đổi BLHS 2015, phạm vi sửa luật lần này liên quan đến 141 điều/426 điều, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung và bãi bỏ một điều. Chính phủ cũng cho rằng sai sót trong BLHS 2015 chủ yếu là “lỗi kỹ thuật”. Từ đó, Chính phủ đã trình dự thảo sửa luật theo hướng sửa nhưng không làm ảnh hưởng đến những chính sách lớn về pháp luật hình sự đã được QH khóa XIII thông qua, không dẫn đến việc sửa các luật liên quan (BLTTHS 2015, Luật Tổ chức CQĐT hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015). Đối với những vấn đề lớn, vấn đề khác liên quan đến chính sách mới, đến lý luận phức tạp, chưa có kiểm nghiệm cũng như còn nhiều tranh luận thì cần tiếp tục nghiên cứu thấu đáo để sửa khi điều kiện phù hợp.

Chia sẻ với ban soạn thảo về độ khó và phức tạp của BLHS nhưng ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) không đồng tình về phạm vi và thời hạn sửa luật như trên. “Đây là một đạo luật rất quan trọng, nếu để xảy ra sai sót sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Vì vậy tôi đề nghị phải sửa đổi triệt để, toàn diện những quy định chưa hợp lý nhằm xây dựng một bộ luật có tính khả thi cao, sát với thực tiễn và có tính ổn định lâu dài, tránh tình trạng sau khi được sửa đổi, bổ sung vẫn còn những sai sót, bất cập không áp dụng được trên thực tế” - bà Xuân nói. Theo bà, cần sửa cho đến khi luật “thật sự tốt, đảm bảo chất lượng” thì mới thông qua.

Theo ĐBQH Phạm Minh Chính, BLHS 2015 đã thể hiện nhiều điểm tiến bộ, nhân đạo, sát với thực tế. Ảnh: T.PHÚ

Tương tự, ĐB Nguyễn Đức Sáu (TP.HCM) đề nghị phạm vi sửa luật không nên giới hạn ở 141 điều đã phát hiện có sai sót vì “rà soát lại còn có thể sẽ phát hiện thêm những sai sót khác”. Ông dẫn chứng: “Bước đầu tôi mới rà soát chưa đầy đủ nhưng đã thấy có những điều chưa ổn, như mới đây có đại biểu đã chỉ ra ở Điều 377 về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn giữ người trái pháp luật”...

Ngược lại, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cảm thán: “Sai thì phải sửa nhưng nếu phải sửa cả những vấn đề còn tranh luận khác nhau thì không biết đến bao giờ mới xong”. Ông Xuyền đề nghị chỉ tập trung sửa đổi tối đa các sai sót đã phát hiện, không làm đổi chính sách lớn trong BLHS 2015 mà QH khóa 13 thông qua, không đưa thêm điều luật mới vào.

Không đồng tình với quan điểm “không đưa thêm điều luật mới”, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) lập luận: “Vừa qua dư luận rất bức xúc trước hiện tượng lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái quy định về bổ nhiệm, đã có trường hợp gây hậu quả như vụ Trịnh Xuân Thanh… Mặc dù BLHS 2015 đã quy định một số tội về lạm dụng chức vụ trong quản lý nhưng chưa có điều nào quy định về loại tội phạm lạm dụng quyền lực, cố ý làm trái quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ”.

Phải có mốc thời gian

Trước những tranh luận này, ĐB Phạm Minh Chính (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) nhấn mạnh BLHS 2015 đã thể hiện nhiều điểm tiến bộ, nhân đạo, sát với thực tế. Đặc biệt, trong quá trình thảo luận để thông qua dự luật vào năm 2015, những chính sách lớn, quan trọng đã được các cơ quan chức năng “cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng”. “Do đó quan điểm sửa đổi là chỉ sửa đổi những sai sót do lỗi kỹ thuật nhưng ảnh hưởng đến nội dung và bản chất vấn đề; sửa những điểm rõ ràng bất hợp lý mà nếu không sửa thì không thi hành được như Điều 292; ngoài ra bổ sung một số điều mới phát sinh” - ông Chính nói.

Ông Chính cũng đề nghị khi sửa luật cần đặc biệt chú ý tính liên thông và tổng thể với các luật đang phải lùi thời hiệu thi hành là BLTTHS 2015, Luật Tổ chức CQĐT hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

“Có những ý kiến là cứ làm, khi nào hoàn thiện thì mới trình QH thông qua nhưng phải xác định mốc thời gian, không thể kéo dài mãi vì việc sửa đổi, bổ sung BLHS 2015 còn liên quan đến các luật khác nên phải thông qua trong kỳ họp thứ 3” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận. Từ đó, ông Lưu đề nghị QH giao cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tư pháp trung ương, cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến để xây dựng lại dự án luật này. Trước khi trình QH tại kỳ họp thứ 3, dự luật cũng sẽ được lấy ý kiến các bộ ngành, chính quyền địa phương, đoàn thể, chuyên gia, người dân…

Án ma túy tra theo lời khai hay số lượng bắt giữ?

Đó là vấn đề được ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) nêu ra trong phiên thảo luận sáng 26-10. Theo bà Thủy, quy định về xác định hàm lượng ma túy (từ Điều 248 đến Điều 252 BLHS 2015) có mâu thuẫn, dẫn đến hai cách tính khác nhau trong án ma túy: Với vụ án không thu được ma túy sẽ tính theo khối lượng ma túy mà đối tượng khai nhận. Đối với vụ án thu được ma túy thì tính theo hàm lượng ma túy tinh chất rút ra từ số ma túy thu giữ. Hiện số vụ án không thu được ma túy ở nước ta chiếm trên 20% tổng số án ma túy thụ lý, vì vậy việc đưa quy định xác định hàm lượng ma túy là khó thực thi.

Ngoài nội dung trên, phiên thảo luận cũng đề cập việc sửa đổi nhiều nội dung khác như phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ 14 đến dưới 16 tuổi, bổ sung thêm chất ma túy mới, cụ thể hóa các tình tiết định tính, định lượng để định khung hình phạt, trách nhiệm hình sự của pháp nhân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới