Theo LĐLS, ngày 13-9, chánh án TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 276 hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội trong BLHS 2015. Tuy nhiên, công văn này chỉ giới hạn áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội trong trường hợp chuyển hình phạt tử hình sang tù chung thân, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích, xử lý hình sự với người dưới 18 tuổi. BLHS 2015 còn nhiều quy định mới khác có lợi cho người phạm tội, BLTTHS 2015 có những điểm mới trong chế định bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị hại, đương sự lại chưa được hướng dẫn áp dụng.
Theo LĐLS, hiện người bào chữa vẫn còn gặp khó khăn khi tham gia tố tụng. Các cơ quan tố tụng vẫn duy trì chế độ cấp giấy chứng nhận bào chữa, hạn chế việc người bào chữa gặp bị can, bị cáo. Thời gian gặp mặt của người bào chữa với người bị tạm giữ, tạm giam vẫn chỉ trong vòng một giờ... Điều bất hợp lý là nhiều quy định mới của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 chưa được áp dụng để tháo gỡ những khó khăn trên. Một số quy định tiến bộ trong Thông tư số 70/2011 của bộ trưởng Bộ Công an về trình tự, thủ tục gặp mặt người bị tạm giữ, tạm giam hiện vẫn còn hiệu lực nhưng chưa được tôn trọng, áp dụng đúng đắn.
LĐLS kiến nghị cần áp dụng ngay các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS 2015 như suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, tranh tụng trong xét xử được đảm bảo... Cùng với đó là quyền của người bị buộc tội được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội…
Theo LĐLS, cần mở rộng áp dụng các quyền và nghĩa vụ quan trọng của người bào chữa theo BLTTHS 2015: Được chủ động đề xuất, gặp mặt người bị buộc tội đang bị tạm giữ, tạm giam mà không bắt buộc phải có sự đồng ý của điều tra viên. Được thu thập, đưa ra, kiểm tra, đánh giá chứng cứ và đề nghị cơ quan tố tụng thu thập chứng cứ...
Đặc biệt, cần áp dụng quy định liên quan đến việc xem xét, giải quyết yêu cầu của bên buộc tội và gỡ tội, triệu tập người làm chứng, điều tra viên và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa. Đồng thời cần thực thi hướng dẫn bố trí phòng xử án để tạo lập vị trí bình đẳng của người bào chữa với kiểm sát viên; xác định phạm vi xét hỏi và cơ chế đảm bảo tranh tụng dân chủ tại phiên tòa…