Ông Tuấn cho biết, nếu trong thị trường phát điện cạnh tranh mới có khoảng trên 50% số lượng các nhà máy điện (chủ yếu các nhà máy có công suất từ 30 MW trở lên) tham gia thị trường thì sang thị trường bán buôn dự kiến sẽ bao gồm hầu hết các đơn vị phát điện sẽ tham gia chào giá trên thị trường, kể cả các nhà máy thủy điện nhỏ.
Đặc biệt 5 tổng công ty điện lực và các khách hàng lớn đủ điều kiện sẽ có cơ hội tham gia thị trường điện bán buôn, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay. Thông qua thị trường bán buôn sẽ giúp tài chính các khâu trong ngành điện được cải thiện, giá điện hình thành hợp lý dựa trên quy luật cung cầu khách quan, chất lượng cung cấp điện được tăng lên, việc sử dụng điện sẽ hiệu quả hơn và các khách hàng sử dụng điện sẽ được hưởng lợi.
Theo ông Tuấn, một điểm mới đáng lưu ý với thị trường bán buôn là nếu như ở thị trường phát điện cạnh tranh chỉ có một đơn vị mua buôn duy nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì để bảo đảm tính cạnh tranh cao hơn, tại thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ mở rộng hơn các đối tượng. Tuy nhiên, cùng với đó ông Tuấn cho rằng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu và nhân lực để vận hành được thị trường bán buôn điện cạnh tranh là điều đáng lo ngại nhất.