Shark Thủy bị bắt, phụ huynh mong được đòi lại tiền

(PLO)- Sau khi Shark Thủy bị bắt, phụ huynh lo lắng vì không biết khoản nợ tại Apax Leaders sẽ đòi lại bằng cách nào.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-3, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), chủ tịch Tập đoàn Egroup, bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Shark Thủy bị bắt về tội lừa đảo

Ngày 26-3, Bộ Công an tổ chức họp báo tình hình, kết quả công tác quý I-2024.

Tại buổi họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, thông tin Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), chủ tịch Tập đoàn Egroup, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup.

Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đề nghị những người mua cổ phần, cho vay tiền bằng hình thức thế chấp tại Egroup khẩn trương liên hệ, cung cấp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra.

Nguy cơ mất trắng

Hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders của Shark Thủy ra đời từ năm 2015. Ở thời điểm hoàng kim, Apax Leaders đã vươn lên trở thành đơn vị có thị phần bậc nhất cả nước với hơn 120 trung tâm tại 32 tỉnh/thành.

Sau dịch COVID-19, hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị phụ huynh trên cả nước tố lừa đảo, thu học phí nhưng không tổ chức dạy học. Sự việc kéo dài cho đến nay.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GD&ĐT TP.HCM, hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders của Shark Thủy còn nợ phụ huynh hơn 93 tỉ đồng.

Shark Thủy
Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM đóng cửa, treo bảng cho thuê mặt bằng. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Dù đã đoán trước tình hình nhưng chị Thu Hương (ở Bình Dương) vẫn “đứng ngồi không yên” khi nghe tin Shark Thủy bị bắt vào trưa 26-3.

“Tôi không biết sẽ lấy lại tiền bằng cách nào? Trước dịch, tôi vay ngân hàng với số tiền hơn 100 triệu đồng để đóng vào trung tâm. Con chưa được học ngày nào, dịch ập tới, tôi phải bảo lưu việc học. Sau khi dịch kết thúc, thấy trung tâm hoạt động bất ổn, đang bị phụ huynh đòi nợ ở Đắk Lắk, tôi ra trung tâm yêu cầu hoàn phí nhưng không được. Tình trạng đó kéo dài cho đến nay. Không biết bao giờ mới có thể lấy lại tiền?” - chị Hương nói.

Cũng theo chị Hương, rất nhiều lần chị đến trung tâm để đòi tiền và được hướng dẫn làm hồ sơ hoàn phí chia theo từng giai đoạn. “Tuy hồ sơ đã hoàn chỉnh nhưng không biết đi đâu để đòi tiền. Tiền vay ngân hàng sau hai năm tôi mới trả hết, còn khoản tiền học cho con chẳng lẽ bị mất trắng!” - chị Hương nói.

Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, tại Bình Dương có hơn 300 phụ huynh đang lâm vào tình cảnh như chị Hương. Đa số bị nợ tiền học vài chục triệu đồng, nhiều người khó khăn phải vay ngân hàng.

Hoang mang cũng là tâm trạng của chị Uyên Phương (ở Thừa Thiên-Huế) sau khi nghe tin Shark Thủy bị bắt.

“Tôi đóng 30 triệu đồng tiền học cho con nhưng mới học được một nửa thì trung tâm đóng cửa cho đến nay. Nhiều lần đến trung tâm đòi hoàn phí đều không nhận được thông tin. Shark Thủy bị bắt, liệu phụ huynh đang bị nợ tiền như tôi có thể lấy lại tiền?” - chị Phương đặt câu hỏi.

Tạm ngừng việc hoàn phí

Cũng trong ngày 26-3, Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax (công ty con của Tập đoàn Egroup) thông báo sẽ tạm dừng việc xác nhận học phí và công nợ học phí đến phụ huynh.

Đồng thời, Apax cũng tạm ngừng việc hoàn học phí cho đến khi có kết luận của cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, Apax cũng khẳng định việc Shark Thủy bị bắt hoàn toàn không tác động đến hoạt động vận hành và giảng dạy tại chín trung tâm Anh ngữ đang hoạt động của Apax.

Cùng ngày, Tập đoàn Egroup - công ty mẹ của chuỗi hệ thống trung tâm Anh ngữ Apax Leaders cũng đưa ra thông cáo.

Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Thủy đã tiến hành ủy quyền điều hành Tập đoàn Egroup và Công ty Cổ phần Đầu tư và phân phối Egame cho bà Nguyễn Thị Dung, thành viên HĐQT của Công ty Egame, thành viên ban lãnh đạo của Tập đoàn Egroup.

Đồng thời, Shark Thủy cũng đã chuyển toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp này cho bà Dung theo đúng điều lệ của công ty và quy định của pháp luật.

Quyền lợi của phụ huynh giải quyết như thế nào?

Theo quy định tại Điều 74, Điều 87 BLDS năm 2015, Công ty Giáo dục Egroup là một pháp nhân nên được nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập và công ty “phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”.

Trên thực tế, học phí là số tiền do phụ huynh đóng cho Công ty Egroup, hay nói cụ thể đây là giao dịch phát sinh giữa hai chủ thể: Cá nhân (phụ huynh học sinh) và pháp nhân (Công ty Egroup).

Cho nên dù Shark Thủy có bị khởi tố, bắt tạm giam thì công ty này vẫn phải có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về học phí, quyền lợi cho phụ huynh đã đóng tiền theo đúng quy định của pháp luật, đúng thỏa thuận giữa công ty và họ trước đó.

Trường hợp công ty không giải quyết, cố tình thoái thác trách nhiệm thì phụ huynh có quyền khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

NGUYỄN HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm