Siết quản lý nguyên liệu và phụ gia thực phẩm

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội sáng 16-12 về thực hiện chính sách, pháp luật an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) giai đoạn 2011-2016, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết Thủ tướng đã đồng ý cho TP.HCM thành lập Ban Quản lý (BQL) ATVSTP trực thuộc UBND TP và thí điểm hoạt động trong vòng ba năm.

Lập ban quản lý ATVSTP cấp TP

BQL này được lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục VSATTP thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc các phòng, chi cục thuộc Sở NN&PTNT, Sở Công thương.

Theo ông Long, ba bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNT sẽ hỗ trợ để BQL ATVSTP TP.HCM thực hiện tốt công việc được giao.

Tại cuộc làm việc, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh: “Khi BQL ATVSTP TP chính thức hoạt động sẽ quyết liệt thực hiện hai giải pháp quan trọng là quản lý chặt nguyên liệu thực phẩm trước khi đưa vào chế biến và hoạt động sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm để đảm bảo bữa cơm an toàn cho người dân”.

Phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm là một trong các giải pháp cụ thể của TP.HCM nhằm đảm bảo ATVSTP trong thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn trước tết Nguyên đán. Phần mềm này được cung cấp miễn phí.

Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TP.HCM có dân nhập cư đông, số lượng điểm kinh doanh thức ăn đường phố nhiều. Bên cạnh đó các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm đa phần quy mô vừa và nhỏ lẻ, mang tính thủ công nên cơ quan chức năng gặp không ít trở ngại trong hoạt động kiểm tra và giám sát.

Chưa hết, việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại các chợ truyền thống còn hạn chế do nhận thức của tiểu thương chưa cao.

Đoàn giám sát của Quốc hội khảo sát bếp ăn và bữa cơm của học sinh Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC

Giảm số cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ

Theo ông Nguyễn Vĩnh Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ-Môi trường của Quốc hội, kết quả giám sát thực tế tại chợ đầu mối Hóc Môn cho thấy hoạt động giám sát nguồn gốc thực phẩm đưa vào chợ rất tốt. Hàng hóa thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó chợ cũng thường xuyên tiêu độc khử trùng, tổng vệ sinh môi trường. “Chợ đầu mối Hóc Môn cung cấp 80% thực phẩm cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Do thực phẩm được kiểm soát chặt nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm khó xảy ra” - ông Hà nhận định.

Ông Hà còn cho biết cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) đang xây dựng sẽ được trang bị hệ thống giết mổ hiện đại, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. “Cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng chính thức hoạt động sẽ giảm bớt cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trên địa bàn TP.HCM. Do vậy, thịt heo đưa ra thị trường sẽ an toàn cho người sử dụng” - ông Hà cho biết thêm.

ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ-Môi trường của Quốc hội, cho rằng dây chuyền giết mổ của cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi) hoạt động cũng đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

Bỏ quy định cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm

Cũng trong sáng 15-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết giấy xác nhận kiến thức về ATTP hiện nay do ba bộ là Y tế, Công Thương, NN&PTNT cấp.

“Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy mặc dù có giấy xác nhận kiến thức về ATTP nhưng người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn vi phạm các quy định về ATTP. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm” - ông Long nói.

Theo ông Long, sắp tới ba bộ sẽ nghiên cứu, bỏ quy định cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP. “Thay vào đó, ba bộ nói trên sẽ xây dựng bộ câu hỏi liên quan các điều kiện ATTP và phổ biến đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Khi kiểm tra, người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm sẽ được hỏi những nội dung trong bộ câu hỏi. Nếu trả lời không được sẽ bị phạt” - ông Long cho biết.

Trần Ngọc

Nhắn tin mời dân mua thịt heo sạch

Ngày 15-12, nhiều người dân đã bất ngờ nhận được tin nhắn với nội dung: “Sở Công Thương TP.HCM thông báo: Từ ngày 16-12-2016, người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM có thể kiểm tra nguồn gốc thịt heo tươi sống qua ứng dụng TE-FOOD. Truy cập http://te-food.com để kiểm tra hoặc tải ứng dụng (áp dụng cho hệ điều hành IOS, Android)”.

Theo đó, với 364 điểm bán, từ hôm nay khi mua thịt heo tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Satrafoods, Co.op Food, cửa hàng Vissan, người tiêu dùng chỉ cần dùng smartphone đã tải ứng dụng TE-FOOD quét lên tem là truy xuất được nguồn gốc miếng thịt heo đến từ trang trại nào, ai nuôi, cơ sở giết mổ nào… Hiện nay tại các điểm bán đều có treo băng rôn là điểm bán thịt heo truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng nhận biết.

TÚ UYÊN

_________________________________

Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM, đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý ATVSTP là việc làm rất hay, đáng khuyến khích. Người tiêu dùng có thể biết được nguồn gốc thịt heo và yên tâm sử dụng.

Ông PHAN XUÂN DŨNG, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-
Công nghệ-Môi trường của Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm