Ít nhất 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ở Việt Nam bị hiếm muộn, đây là số liệu trong một nghiên cứu cấp bộ của ĐH Y Hà Nội năm 2015. Cũng theo nghiên cứu này, hiện có rất nhiều người đang tìm đến phương pháp siêu âm canh noãn với hy vọng sớm có tin vui.
Canh noãn: Chỉ là truyền miệng!
Canh noãn thực chất là quá trình theo dõi sự phát triển của nang noãn bằng đầu dò âm đạo trong một chu kỳ kinh, đến thời điểm rụng trứng thì giao hợp nhằm tăng khả năng thụ thai. Tuy nhiên, trên thực tế lại không hoàn toàn như vậy.
Chị Nguyễn Thị H. (quận 5, TP.HCM) đã từng kiên trì theo đuổi phương pháp canh noãn suốt một năm trời chia sẻ chị được bác sĩ (BS) sản khoa hướng dẫn tính ngày rụng trứng là ngày có kinh nguyệt cộng thêm 10-15 ngày. Chị sẽ canh khoảng 10-12 ngày sau khi có kinh nguyệt để đi siêu âm. Theo chị H., thường thì siêu âm 1-2 lần sẽ thấy rụng trứng, mỗi chu kỳ kinh chị phải đi siêu âm 1-3 lần. Tính ra trong vòng một năm chị đã siêu âm khoảng 25-30 lần. “Chi phí mỗi lần siêu âm 100.000-200.000 đồng. Một năm tốn chừng 5-6 triệu đồng, chưa kể chi phí phát sinh khác” - chị H. tính toán.
BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (HOSREM), cho rằng canh noãn là trường hợp kỳ lạ trong thực hành y khoa ở Việt Nam. “Tôi chưa thấy BS nước nào áp dụng canh noãn để điều trị hiếm muộn vì nó đi ngược lại với đặc điểm sinh lý sinh sản ở người. Canh noãn không có cơ sở khoa học rõ ràng mà chỉ là truyền miệng qua nhiều thế hệ BS sản phụ khoa, siêu âm” - BS Tường nói.
Cũng theo BS Tường, hầu hết bệnh nhân hiếm muộn tìm đến ông nhờ tư vấn đều đã trải qua thời gian dài canh noãn nhưng không tác dụng. “Một phụ nữ hiếm muộn 35 tuổi tìm đến tôi sau một năm canh noãn thất bại. Sau khi kiểm tra, tôi thấy buồng trứng của chị hơi kém, tinh trùng của chồng không được tốt. Hơn nữa, ở tuổi 35, khả năng thụ thai của chị đã giảm. Thay vì đi canh noãn, thời gian đó nếu chị đi khám, điều trị sớm có lẽ khả năng thụ thai sẽ cao hơn” - BS Tường kể.
BS Hồ Mạnh Tường khẳng định: Siêu âm noãn không có tác dụng trong điều trị hiếm muộn. Trong ảnh: BS Hồ Mạnh Tường đang tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: CT
Tiền mất mà tật vẫn mang
Theo BS Tường, phương pháp siêu âm canh noãn được nhiều BS thực hiện, xác suất thụ thai khoảng 50%. Tuy vậy, về cơ bản các BS canh noãn đã dựa trên các giả định sai về sinh lý sinh sản.
Thứ nhất, họ nghĩ rằng một tháng chỉ có 1-2 ngày giao hợp dễ có thai và giao hợp khi trứng đã rụng là dễ có thai nhất. Thứ hai, càng để lâu tinh trùng càng tốt, dễ có thai. Thứ ba, sau khi giao hợp, toàn bộ tinh trùng chạy tới gặp trứng và thụ tinh luôn. Đặc biệt, giao hợp sau khi rụng trứng và ngay lúc rụng trứng thì có thể dễ có con trai do tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y… chạy nhanh hơn.
“Nhiều nghiên cứu thực nghiệm và thống kê thực tế kết hợp với hiểu biết về sinh lý sinh sản đã chứng minh sự sai lầm của những kiến thức trên. Theo đó, cửa sổ thụ thai kéo dài từ năm ngày trước rụng trứng cho đến ngày rụng trứng. Ngày giao hợp có khả năng thụ thai cao nhất là 1-2 ngày trước rụng trứng. Giao hợp vào ngày rụng trứng thì khả năng có thai đã giảm so với những ngày trước đó, còn giao hợp sau 12 tiếng từ khi trứng rụng thì khả năng có thai đã giảm nhiều hoặc không còn” - BS Tường lý giải.
“Dù canh kiểu nào hay không canh gì cả, xác suất vẫn là 50% nếu có thai. Thật ra đa số sẽ không có thai vì quan hệ vào cuối hoặc ra ngoài cửa sổ thụ thai, khả năng thụ thai đã giảm hoặc không còn. 50% đúng sẽ cho là BS quá giỏi, đi kể khắp nơi. 50% không đúng sẽ cho là chưa may mắn và im lặng... canh tiếp. Và rất nhiều cặp vợ chồng đã rơi vào vòng “canh noãn” như thế. Luôn có xác suất 50% dù canh kiểu gì hay không làm gì cả” - BS Tường nói.
Lý giải về việc ngày càng nhiều người đi canh noãn, BS Tường cho rằng có thể nhiều BS sản phụ khoa đã không cập nhật thông tin để nghĩ đến việc mình đang ứng dụng phương pháp không đúng. Ngoài ra, nhiều thông tin không chính thống trên Internet cũng đi theo các giả định này giúp lan truyền thông tin thiếu cơ sở khoa học. “Điều quan trọng là việc này sẽ khiến các cặp vợ chồng tiêu tốn thời gian, tiền bạc nhưng kết quả chưa chắc đã như ý, đó là chưa nói tới việc rất dễ bị sẩy thai sau khi may mắn mang thai (giao hợp sau rụng trứng nếu thụ tinh, thường trứng đã già, chất lượng phôi giảm, có thể tăng sẩy thai). Đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại vấn đề để điều chỉnh dần” - BS Tường nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn. Nếu chỉ 20% trong số này đi siêu âm canh noãn mỗi tháng ít nhất hai lần với mức giá 50.000-100.000 đồng (có thể cao hơn), cộng với số cặp vợ chồng đi siêu âm chọn giới tính thì sẽ có hơn 1 triệu lượt đi siêu âm canh noãn. Như thế, các cặp vợ chồng này sẽ tiêu tốn khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm. Con số này trong 10 năm, 20 năm… sẽ là bao nhiêu? Quả thật đây là một sự lãng phí quá vô lý! BS HỒ MẠNH TƯỜNG, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (HOSREM) __________________________ Siêu âm canh noãn chỉ có giá trị trong trường hợp hiếm muộn do rối loạn phóng noãn. Khi bị hiếm muộn, tốt nhất các cặp vợ chồng nên đi khám đúng BS chuyên khoa để được tư vấn, xác định nguyên nhân chính xác và đưa ra phương pháp chữa trị thích hợp. ThS-BS LÊ THỊ KIỀU DUNG, Trưởng khoa Phụ sản |