CHÙM ẢNH:

Siêu dự án Công viên Sài Gòn Safari mênh mông... cỏ hoang

(PLO)- Đã hơn 10 năm nay, gần 500 ha đất Công viên Sài Gòn Safari – công viên tầm cỡ Đông nam Á trở thành nơi chăn thả trâu bò, cỏ dại… Nhiều diện tích được trồng cây nhưng không thể lên nổi do khí hậu khắc nghiệt và thiếu bàn tay chăm sóc. Tại những căn nhà hoang, đổ nát, một số hộ dân vẫn bám trụ, cải tạo nhà hoang thành chỗ nuôi trâu bò. 

Dự án Công viên Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD. Dự án rộng 475 ha, ảnh hưởng đến hơn 700 hộ dân ở các xã Phú Mỹ Hưng và xã An Nhơn Tây (có hơn 370 hộ). Năm 2004, chính quyền địa phương đã bắt đầu việc bồi thường, thu hồi đất.

Hiện tại, gần như toàn bộ khu vực đã được quy hoạch thành Công viên Sài Gòn Safari là đất trống, cỏ dại mọc tràn khắp nơi, thỉnh thoảng là những căn nhà cũ, xiêu vẹo, đổ nát qua mưa gió. Nhiều người dân tận dụng diện tích quây chuồng nuôi trâu, bò, trồng cỏ, hoa màu hoặc phơi phân gia súc tạo ra một khung cảnh nhếch nhác, ảm đạm. 

Nhiều người dân quay lại nhà cũ, cải tạo quây chuồng trại nuôi gia súc. Hằng ngày trâu được thả ăn cỏ, chiều đến được lùa về nhốt ở khu trại.

Những người dân sống trong khu vực công viên đều là nông dân quen với trồng trọt chăn nuôi. Nhiều người than phiền về việc chưa có đất tái định cư. Họ quay về một phần nhớ làng cũ, muốn tận dụng đất hoang để sản xuất; một phần không thể tìm được việc làm ổn định cuộc sống.

Theo anh Trương Văn Sửu (41 tuổi, tổ 8, ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ Hưng) thì đây là nơi quê cha đất tổ, chôn rau cắt rốn của năm anh em trong nhà. Anh Sửu kể: “Bố mẹ để lại cho anh em 3.000 m2 đất để mưu sinh. Khi có quyết định quy hoạch gia đình đã nhất trí hoàn toàn. Sau khi nhận 2,4 tỷ đồng, 5 anh em chia đều nhau, mỗi người tìm một hướng mua đất, dựng nhà mới”. Nhưng anh Sửu đã quay lại nhà cũ chăn nuôi vì không thể kiếm việc làm khác.

Nhiều nơi đã được quy hoạch trồng trọt các loại cây phục vụ công viên nhưng do thời tiết khắc nghiệt, gia súc phá hoại và thiếu bàn tay chăm sóc nên cây cối không phát triển và chết dần chết mòn.

Thi thoảng nhiều người gặp lại những dấu tích làng cũ khi đi vào công viên như gốc tre, mái nhà, cây cau hoặc gốc dừa... những thứ đó khiến họ lưu luyến.

Ông Lê Văn Phỉ, xã Phú Mỹ Hưng cho biết gia đình ông mấy đời đã định cư ở đây. Sau khi công viên được quy hoạch, gia đình ông đã đồng thuận và đi nơi khác. Nhưng một thời gian sau ông Phỉ quay trở lại, tận dụng những gì còn lại lập trại chăn nuôi gia súc. 

Những người như ông Sửu đều là nông dân chân lấm tay bùn và không thể làm gì khác ngoài làm nông dân trong khi đất tái định cư chưa được có. 

Bà Trần Thị Gái cùng chồng, ba người con gái và cháu nội vẫn kiên quyết bám trụ ở mảnh đất mà gia đình mua lại từ năm khoảng năm 90. “Tui vốn là người ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, dưới đó đông dân, không làm ăn được nên chạy lên Phú Mỹ Hưng mua đất ở. Năm 2004, chính quyền có nói thu đất thì có đền bù, tái định cư, rồi tạo công ăn việc làm ở công viên cho 6 người con của tôi nhưng đợi hoài không thấy. Khi nào có tái định cư thì tôi mới đi, chứ giờ bỏ tiền mua bò nuôi hết rồi, không biết đi đâu cả” – bà Gái khẳng định.

Tại khuôn viên công viên có hàng trăm con gia súc được nuôi và chăn thả.

Chúng được quây trong những chuồng trại tạm bợ nên có thể thoát ra ngoài bất cứ khi nào.

Bà Lê Thị Khoắng (54 tuổi) ở cùng chồng và người con quay lại ngôi nhà cũ của gia đình để chăn nuôi và trồng trọt trong khi những người hàng xóm khác đã dời đi. Bà Khoắng cho rằng mình tiếc đất hoang, trong khi ở chỗ ở mới không có đất sản xuất. "Nếu khi nào quy hoạch công viên lại mình thì mình lại dời đi chứ cũng không có chuyện gì cả" - bà Khoắng nói.

Trong công viên những vụ cháy nhỏ xảy ra đốt cháy nhiều cây được trồng.

Khi được hỏi, tất cả người dân ở khu vực công viên đều mong muốn công viên nhanh chóng được quy hoạch, xây dựng hoàn tất tạo cảnh quan đẹp và công ăn việc làm cho người dân khu vực.

NGUYỄN TÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm