Sinh viên rời ký túc xá, chật vật tìm trọ

(PLO)- Dù đã có cuộc sống tự lập vài năm, nhưng những sinh viên năm cuối vẫn chật vật tìm trọ khi đến thời hạn rời khỏi ký túc xá trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi đến thời hạn phải rời khỏi ký túc xá (KTX), nhiều sinh viên năm cuối chưa chuẩn bị tâm lý, không có nhiều kinh nghiệm lẫn tài chính thường chật vật trong quá trình tìm một nơi ở mới. Thực tế này cũng cho thấy nhiều sinh viên còn thiếu kỹ năng sống khi rời trường để bước vào đời.

sinh viên chật vật tìm trọ 3.jpg
Sinh viên chật vật tìm trọ trên các hội nhóm mạng xã hội, website. ẢNH: MINH THƯ

Nước tới chân mới nhảy

Gắn bó với KTX suốt thời đại học, Minh Ngân, sinh viên năm 4 trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết dù là sinh viên năm cuối nhưng bản thân không có kinh nghiệm về việc tìm trọ.

Khi đến thời hạn phải rời KTX, chật vật tìm trọ, Ngân bày tỏ lo lắng: “Thời gian ở KTX em không cần lo nghĩ gì nhiều, cuộc sống cứ êm đềm cho đến khi nhận ra đã đến lúc chia tay mái nhà này. Suốt cả tháng nay, em thử lên mạng tìm hiểu, đi khảo sát ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa tìm được trọ".

Ngân cho biết ở KTX chỉ tốn vài trăm nghìn một tháng, ở trọ thì phải tốn tiền triệu. Một căn phòng có chiếc giường, bếp nhỏ và phòng vệ sinh ở quận Bình Thạnh cũng từ 4 triệu trở lên. Còn căn tương tự ở quận Tân Bình thì 3 triệu.

sinh viên chật vật tìm trọ 1.jpg
Một căn trọ 25m2 ở Tân Bình gồm giường, bếp nhỏ, phòng vệ sinh… sử dụng máy giặt chung có giá khoảng 2,7 - 3 triệu. ẢNH: MINH THƯ

Tương tự, rời khỏi KTX sau bốn năm gắn bó, Nguyệt Thu, sinh viên năm 4 trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng chật vật tìm trọ.

“Em chưa kiếm được việc làm, không có tài chính nhiều trong khi giá nhà trọ đang tăng cao nên lo sẽ không tìm được trọ tốt. Em sợ mình ham rẻ mà dính vào các nhà trọ an ninh kém, hay có trộm cắp, quay lén, chủ nhà gây khó dễ” - Thu nói.

Nên tìm nhà trọ sớm, đừng chờ bao bọc mãi

Lường trước khó khăn khi hết hạn ở KTX, một số sinh viên cũng chủ động tìm nơi ở mới từ sớm. Ngay giữa năm 2024, Hải Nhi, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tìm trọ.

Sau vài lần chật vật tìm trọ, chia sẻ kinh nghiệm, Nhi nói bản thân thường lên những hội nhóm để tham khảo giá và các điều kiện của phòng trọ trước. Sau đó, đi xem thực tế phòng trọ, hỏi kỹ càng các thông tin về chủ trọ, nội thất, giá điện nước, nơi giữ xe, an ninh, quy định chung… Phải đi xem nhiều phòng trọ, chụp hình, quay video lại để về so sánh. Tuyệt đối không nên chốt online vì đôi khi thực tế sẽ không giống hình ảnh đăng tải trên mạng.

chat-vat-tim-tro-6640.jpg
Sau vài lần chật vật tìm trọ, trước khi ký hợp đồng, Hải Nhi thường đến trực tiếp xem phòng và trao đổi kỹ lưỡng. ẢNH: MINH THƯ

Chị Thùy Linh, một người kinh nghiệm tìm phòng trọ chia sẻ: “Phòng trọ ở quận trung tâm TP như Bình Thạnh, quận 3, Phú Nhuận, Gò Vấp… có vị trí thuận tiện đi lại nên thường có giá cao hơn so với khu vực Thủ Đức. Cứ tới mùa nhập học là kiếm phòng trọ khó khăn, giá cũng sẽ cao hơn bình thường từ 300-500 nghìn đồng. Vì vậy, sinh viên nên tìm trọ từ sớm, tránh các thời điểm nhạy cảm có đông người tìm trọ”.

Trao đổi với PLO, ông Lại Thế Tuân, Trưởng phòng Tổng hợp, Trung tâm quản lý KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đối với sinh viên thuộc khối ĐH Quốc gia TP.HCM, KTX luôn tạo điều kiện hỗ trợ sinh viên còn đang học được đăng ký ở KTX.

Đối với sinh viên ngoài khối ĐH Quốc gia TP.HCM, KTX và nhà trường sẽ thông tin đến sinh viên đó trước ngày hết hạn ở KTX, từ 30 - 45 ngày để sinh viên chủ động tìm chỗ ở.

Nhưng nếu sinh viên hết hạn ở KTX có hoàn cảnh khó khăn, không đủ chi phí để ở trọ khác, sinh viên liên hệ nhà trường xem xét và phối hợp Trung tâm quản lý KTX để giải quyết cho sinh viên tiếp tục đăng ký ở KTX.

Nói về lý do sinh viên chật vật tìm trọ sau khi hết hạn ở KTX, ông Tuân cho rằng: “Mỗi lần tổ chức cho sinh viên đăng ký, Trung tâm quản lý ban hành thông báo và hướng dẫn chi tiết trên trang thông tin KTX: Fanpage, Website… và trong các nhóm chat của phòng, tòa nhà. Hiện nay có nhiều sinh viên không quan tâm đến thông tin, tắt hết chế độ nhận tin báo nên không nắm rõ thời hạn được ở KTX.

Vì vậy Trung tâm quản lý KTX mong muốn các bạn sinh viên quan tâm nắm bắt thông tin và tương tác với hành chính cụm nhà. Sinh viên có khó khăn hay vướng mắc báo ngay Ban quản lý cụm nhà để kịp thời hỗ trợ và giải quyết”.

Nhằm hỗ trợ sinh viên tìm trọ, ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cho biết hiện nay, Trung tâm đang tiếp nhận đăng ký của các chủ nhà trọ uy tín, triển khai các hoạt động giới thiệu nhà trọ cho sinh viên thông qua phần mềm trực tuyến tại website: www.nhatro.sac.vn và thông qua fanpage SAC (Nhà trọ) https://www.facebook.com/sac.nhatro.

Trung tâm đã tiếp nhận hơn 1.000 chỗ trọ thuộc 300 địa chỉ nhà trọ và chỗ trọ tại hệ thống 15 ký túc xá của các trường Đại học. Phần lớn, mức giá trung bình một phòng từ 2,5 triệu - 4 triệu/ tháng dành cho 2-3 người ở.

“Hiện nay giá phòng thuê khá ổn định, thực tế khá ít chủ nhà trọ liên hệ với Trung tâm để tăng giá phòng trọ như các đợt cùng kỳ năm trước. Về chức năng hoạt động, đơn vị làm việc với các đơn vị chủ nhà trọ đảm bảo mức giá bình dân, phù hợp với sinh viên thuê trọ, đảm bảo các mức độ an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy cho sinh viên thuê trọ” - ông Nam cho biết.

Cảnh giác lừa đảo cò mồi thuê trọ

Để tránh bẫy lừa đảo cò mồi thuê trọ, sinh viên cần có người thân, bạn bè hỗ trợ cùng tìm kiếm chỗ trọ phù hợp; cảnh giác với các tổ chức, cá nhân môi giới nhà trọ yêu cầu cọc tiền phí giới thiệu hoặc đối tượng giả dạng người tốt giúp đỡ sinh viên rồi đòi tiền sau khi đưa đến nhà trọ.

Có những trường hợp sinh viên đến thuê nhà, sau khi đặt cọc, chủ nhà trọ ràng buộc hợp đồng bởi những điều khoản vô lý như chịu các khoản chi phí nếu nhà cửa hư hỏng, xuống cấp, tăng giá trọ không cần báo trước, đóng cửa sớm và sinh viên không được vào nhà nếu quá giờ quy định, giá điện nước cao ngất ngưỡng,… sinh viên không ở được sẽ tự bỏ tiền cọc và tìm chỗ trọ khác.

Để tránh xảy ra những tình huống đáng tiếc như vậy, sinh viên nên tìm đến các đơn vị uy tín để tìm kiếm thông tin nhà trọ như: Trung tâm/Ban hỗ trợ sinh viên trường, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên Thành phố.

Theo ông LÊ NGUYỄN NAM, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm