Sinh viên sẽ tham gia giải quyết các vấn đề 'nóng' của TP.HCM

Chiều 30-12, lãnh đạo UBND TP.HCM đã gặp gỡ sinh viên (SV) tiêu biểu lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) tại Nhà văn hóa Thanh niên.

Tại buổi gặp mặt, SV TP.HCM đã chia sẻ những tâm huyết, hiến kế với lãnh đạo TP trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo để đóng góp vào sự phát triển của TP.

Các dự án AI của SV mới chỉ dừng ở mức đi thi

SV Diệp Tấn Luân (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) trăn trở khi hầu hết dự án AI chỉ dừng lại ở mức đi thi, không thể triển khai vào thực tế. Để khắc phục việc này, Luân cho rằng nên tập hợp những đề tài đó ứng dụng vào khu vực thí điểm, để người dân vào tham quan, cảm nhận sự tiện ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại, xem dự án đó có thể ứng dụng được vào thực tế không. 

Còn SV Nguyễn Huỳnh Trang Nhã (ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) bày tỏ việc SV các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo chưa đủ sự tín nhiệm để kêu gọi được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong các dự án. Nhã đề nghị đoàn thanh niên, hội SV các trường kết nối SV với doanh nghiệp và các cơ quan để được hỗ trợ về kinh phí, chuyên môn để xây dựng các dự án xử lý được các vấn đề của TP.

Góp ý cụ thể hơn về một dự án dùng AI, Ngô Đình Luật (SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết khi TP trở lại trạng thái bình thường mới thì tình trạng kẹt xe gần như đã tái diễn. Do đó, Luật đề xuất nên dùng dự án AI của SV thí điểm thông qua camera đếm số lượng xe trong một thời gian nhất định, thay CSGT túc trực tại chốt đèn xanh - đỏ điều khiển đèn tại các giờ cao điểm.

“Nên dùng AI để đếm mật độ xe mà điều tiết ngay từ đầu, hạn chế kẹt xe giờ cao điểm” - Luật nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao giải nhất của “Hội thi thử thách trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM năm 2021” cho nhóm sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên. Ảnh: MINH TÂM

Cho SV tham gia “giải” các bài toán của TP.HCM

Trao đổi tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận TP.HCM phải là trung tâm đi đầu trong lĩnh vực đào tạo nhân lực AI. Theo ông Mãi, cần có các cấp độ đào tạo, chẳng hạn cấp độ tài năng AI, chuyên gia, học viên và tính đến cấp độ phổ thông để cả người dân có thể quan tâm, hiểu biết, khai thác sử dụng... Từ đó có hình thức đào tạo phù hợp với từng cấp độ.

Ông đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM thí điểm mô hình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và AI trong chương trình học phổ thông. Ông Mãi cho biết trong chương trình học phổ thông có môn tin học, do đó cần đánh giá lại, tính toán cho lớp 9 học tin học cơ bản, sang lớp 10-12 cần có chương trình học AI để sau khi tốt nghiệp THPT, các em chỉ cần học thêm 1-2 năm là có thể trở thành chuyên viên, kỹ thuật viên công nghệ thông tin.

“Như vậy có thể rút ngắn thời gian đào tạo, giảm được chi phí xã hội, đào tạo nhanh nhân lực chuyên sâu” - ông Mãi nói.

Về môi trường phát triển AI, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành quan tâm đến góp ý thành lập câu lạc bộ AI trong trường, cộng đồng AI cho SV TP, kết nối SV với chuyên gia, doanh nghiệp, kiến tạo hệ sinh thái để phát triển AI… Hay các cuộc thi hiện nay về trí tuệ nhân tạo, cần rà soát, đánh giá lại để có sự điều chỉnh từ quy chế, cách tiếp cận, đặt ra vấn đề từ thực tiễn cuộc sống để đưa vào cuộc thi; sau đó phát triển các dự án này giải bài toán của cuộc sống.

Ông Mãi giao Sở TT&TT nghiên cứu cơ chế, chính sách để các đề án đoạt giải đi vào cuộc sống. “SV đã làm được dự án AI khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vậy làm sao để SV tham gia vào nhóm giải quyết các bài toán của TP bằng AI, vì chỉ có doanh nghiệp lớn mới đấu thầu trúng dự án, trong khi đó nguồn nhân lực chúng ta có” - ông Mãi đặt yêu cầu và cho biết TP.HCM sẽ thí điểm việc này.

Cũng theo ông Mãi, TP.HCM có chương trình nghiên cứu phát triển AI giai đoạn 2021-2030, đề nghị Sở TT&TT chọn ra những “đầu bài” để thông báo rộng rãi, gửi đến các trường cho SV tham gia. “Làm sao ứng dụng AI để giải quyết nhu cầu người dân, trong hoạt động cơ quan hành chính, trong y tế, giáo dục, giao thông…” - ông Mãi nói và đề nghị cần có những “đầu bài” được đặt hàng chính thức cho các SV, chuyên gia TP.

Người đứng đầu TP.HCM nhìn nhận AI sẽ là nguồn nhân lực rất quan trọng để thực hiện mục tiêu TP là trung tâm đổi mới sáng tạo, là đô thị thông minh và văn minh, đáng sống.

Trao giải “thách thức trí tuệ nhân tạo”

Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ chương trình, Sở TT&TT TP.HCM đã tổ chức lễ trao giải “Hội thi thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge) trên địa bàn TP.HCM năm 2021”.

Với chủ đề “Nhận diện chữ tiếng Việt trong ảnh ngoại cảnh và sinh hoạt hằng ngày”, hội thi đã chọn được 27 đội bước tiếp vào vòng chung kết, từ 330 đội thi với hơn 1.000 thí sinh đăng ký. Giải nhất cuộc thi trị giá 50 triệu đồng đã thuộc về đội 4RANGERS đến từ ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Hội thi cũng trao một giải nhì trị giá 30 triệu đồng; ba giải ba, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 12 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; ba giải ý tưởng tiềm năng, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và một giải tập thể. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm