Siu Black: “Tôi mãi mãi thuộc về buôn làng”

Với một số ca sĩ, sự nghiệp ca hát thường không thể thiếu việc đều đặn ra album và tổ chức live show hoành tráng. Thế nhưng Siu Black dường như không mấy quan tâm tới những điều trên. Hơn 20 năm ca hát, đến nay Siu Black mới phát hành album thứ tư: K’bing ơi.

Siu Black: “Tôi mãi mãi thuộc về buôn làng” ảnh 1

Hình ảnh mới của Siu Black trên bìa CD K’bing ơi. Ảnh: PHẠM HOÀI NAM

Nổi tiếng không phải là đích

. Chị nghĩ sao khi khán giả than phiền rằng kiếm đĩa nhạc của chị khó quá, cả đĩa gốc lẫn đĩa sao chép cũng không thấy?

+ Ca sĩ Siu Black: Có thể một phần là do khâu phát hành chăng? Nhưng cũng phải thừa nhận là tôi ít ra đĩa nhạc. Giọng hát của tôi rất khó chọn bài. Tìm được các bài hát mới để ra đĩa phù hợp với giọng của mình và được khán giả thích là điều rất khó. Tôi cũng đã có thâm niên đứng trên sân khấu nên không thể hát những bài nhạc thị trường. Với album mới K’bing ơi, tôi phải lựa bài rất kỹ lưỡng, đưa cho nhiều đối tượng khán giả nghe thử và rất mừng khi cả người trẻ lẫn trung niên đều thích. Ra một album mà chỉ cần khán giả thích một, hai bài trong đó coi như mình thành công rồi.

. Với giọng ca khó chọn bài như chị nói thì giả sử không có nhạc của Nguyễn Cường, chị sẽ hát nhạc gì?

+ Trước khi gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, tôi hát bất kỳ nhạc gì tôi thích. Nhạc của anh có chất máu lửa, cá tính rất hợp với giọng của tôi. Những bài Ly cà phê Ban Mê, Ngọn lửa cao nguyên… giúp tôi “khoe” hết chất giọng của mình. Đó là điều may mắn của tôi. Tuy nhiên, nếu một ca sĩ có tài, có năng lực thực sự thì không nên chỉ biết phụ thuộc vào một nhạc sĩ để nổi tiếng.

. Thời mới vào nghề, chị phải lao động cật lực cả thời gian dài mới được khán giả biết tới. Còn bây giờ, một ca sĩ trẻ chỉ cần đưa một clip “nhạc thảm họa” lên mạng đã “nổi tiếng”. Chị nghĩ sao?

+ Bạn để ý đi, những cô cậu nổi lên hôm qua với các clip nhạc thảm họa, hôm nay còn không? Mạng Internet đem lại cơ hội lớn cho các ca sĩ trẻ, làm cho họ nổi tiếng rất nhanh. Được nhiều người biết tới là lợi thế lớn nhưng bạn phải rèn luyện tay nghề, cọ xát với sân khấu… Nếu bạn không có năng lực thực sự, khán giả sẽ quên bạn ngay. Nổi tiếng không phải là cái đích cuối cùng của nghệ sĩ. Cái chính là bạn cống hiến, phục vụ khán giả điều gì.

. Khi mở Học viện Âm nhạc Siu Black (3-2011), chị có ý định sẽ giúp đỡ các tài năng âm nhạc quê nhà, phát huy những giọng ca rock Tây Nguyên máu lửa. Đến nay, ý định này đã thành hiện thực chưa?

+ Đến nay đã có 12 em theo học ở học viện nhưng trong đó chỉ có một em đến từ Tây Nguyên. Tôi có ý định như bạn nói nhưng thực tế các em thiếu niềm đam mê và có tâm lý ỷ lại. Có nhiều em hát được nhưng ngại đi xa, ngại đủ thứ... Tôi chỉ có thể giúp các em về kỹ thuật. Thế nên có thể xem như ý định này vẫn chưa được như tôi mong muốn. Đó là điều khiến tôi trăn trở bấy lâu nay.

Về nhà ăn nắm rau rừng

. Khi quyết định rời thị xã Kon Tum bé nhỏ và tìm cách đứng trên các sân khấu lớn của TP.HCM, chị có hình dung một ngày Siu Black thành người nổi tiếng?

+ Tôi không bao giờ nghĩ xa xôi như vậy. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là hát để giới thiệu giọng hát của mình trước mọi người, hát xong thì về Kon Tum. Không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ ở lại TP.HCM. Đến bây giờ vẫn vậy, đi diễn ở đâu tôi cũng nhớ đến nhà cửa, buôn làng mình và muốn về nhà.

. Chị sống ở TP.HCM đã lâu và trong thời gian đó, làng Pleitơnghia của chị cũng đã có nhiều thay đổi. Điều gì khiến chị cho rằng mình vẫn thuộc về làng chứ không thuộc về TP.HCM nơi chị vẫn đi về hằng ngày?

+ Đúng là làng tôi bây giờ có nhiều thay đổi, có thời gian cả năm tôi mới về và thấy chỗ nào cũng lạ. Đường đất của làng giờ đã láng xi măng rồi. Nhưng những điều thân thuộc của tôi - người nhà, làng tôi vẫn ở đó. Tôi dự lễ mừng mùa gặt, lễ đâm trâu như ngày còn bé. Mỗi lần về nhà tôi đều được hưởng không khí gia đình, ăn món rau rừng người nhà hái từ rẫy về. TP.HCM không hề có những thứ ấy. Có lúc thèm rau rừng quá, tôi đành nhờ người nhà gửi xe lên. Nhưng tới nơi rau không còn thơm ngon mùi rừng rẫy nữa mà hôi mùi tàu xe. Cho nên phải về quê thì mới thưởng thức được hết hương vị quê nhà.

Ở TP.HCM lâu nhưng tôi vẫn chưa thích nghi được. Họa hoằn lắm 2-3 năm tôi mới đi bar một lần vì tôi sợ sự ồn ào. Ngay giữa TP.HCM tôi cũng ráng mang về một góc Tây Nguyên làm cái quán cà phê để khi mệt mỏi sau những ồn ã, tất bật, trở về cái quán này sẽ có cảm giác như ở nhà mình. Chiều nay tôi sẽ về lại Kon Tum. Cả năm rồi bận quá không về được, nhớ lắm!

. Gần đây, nhiều ca sĩ thường đưa con lên sân khấu hát chung. Chị không làm vậy, thậm chí còn không cho con trai thi Việt Nam Idol. Chị không muốn con trai theo nghiệp ca sĩ sao?

+ Tôi có cho con học thanh nhạc nhưng cháu không say mê lắm. Làm điều gì cũng phải có đam mê, nhất là nghề ca sĩ. Cho nên tôi không cho phép con mình dạo chơi lãng phí thời gian ở lĩnh vực cháu không quyết tâm theo đuổi.

. Để thành công trên con đường nghệ thuật, đôi khi người nghệ sĩ phải hy sinh nhiều thứ. Chị có phải hy sinh điều gì lớn cho sự nghiệp của mình?

+ Đó là hôn nhân. Nhưng thực ra nguyên nhân chính của sự đổ gãy là do chúng tôi không hợp nhau chứ không phải do sự nghiệp của tôi...

. Cảm ơn chị.

Tiêu điểm

Siu Black: “Tôi mãi mãi thuộc về buôn làng” ảnh 2

Tên CD K’bing ơi cũng là tên bài hát chủ đề của CD. Ca khúc trên do nhạc sĩ Kra Jan Plin (Đà Lạt) sáng tác, kể về cô gái K’bing phải bỏ làng ra đi vì nhiều uẩn khúc. Nơi buôn làng có người vẫn đợi chờ cô, ngày đêm mong cô quay về. CD K’bing ơi gồm tám ca khúc, trong đó có những ca khúc quen thuộc được phối theo phong cách mới và một số ca khúc mới của nhạc sĩ Kra Jan Plin.

TRÀ GIANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm