Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học vừa qua, Hà Nội đã đạt 5 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, đã hoàn thành việc rà soát toàn bộ công tác mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030 và định hướng đến 2045.
Thứ hai, TP triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn trong phòng chống COVID-19 theo chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.
Toàn cảnh hội nghị sáng ngày 12-8. Ảnh PHI HÙNG |
Lần đầu tiên lễ khai giảng chung cho toàn TP được tổ chức và phát trực tiếp trên sóng truyền hình với sự tham dự của hơn 2,2 triệu học sinh và hơn 150.000 giáo viên, nhân viên trong toàn ngành.
Thứ ba, công tác đầu tư cơ sở vật chất để phục công tác giảng dạy và học tập được quan tâm. Năm học vừa qua có 52 trường được xây dựng mới…
Thứ tư, tỉ lệ trường đạt chuẩn của thành phố đạt 65,3%, trong đó trường công lập đạt 79%.
Thứ năm, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục có nhiều tiên bộ. Hà Nội đã triển trung tâm điều hành giáo dục thông minh của toàn thành phố, phục vụ công tác quản trị, điều hành trên toàn thành phố.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, Nghị định số 120 ban hành 7-10-2020 của Chính phủ về quy định, thành lập tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi cơ sở giáo dục không quá hai cấp Phó.
Điều này rất khó khăn đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội. Một số trường chuyên, trường trọng điểm chuẩn quốc gia… có tỉ lệ từ 45 lớp học trở lên rất lớn nhiều.
Vì vậy, Sở này kiến nghị với Chính phủ xem xét lại nội dung này. Nên chăng cho phép những trường có 45 lớp trở lên được phép có 3 Phó hiệu trưởng.
Ngoài ra, ông Cương cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định trường chuẩn quốc gia.
Kiến nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với một số bộ ngành trung ương xem xét để cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì tính diện tích đất sử dụng/học sinh.
Cho phép nâng cao tầng trong khối xây dựng, được sử dụng các tầng hầm, dựa trên các nguyên tắc đảm bảo an toàn cho học sinh, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc trên các tầng cao…
Sáng 12-8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước.
Theo Bộ GD&ĐT, đây là năm học thứ hai ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của ngành.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, còn nhiều hạn chế, khó khăn. Hội nghị cũng nêu phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2022 – 2023.