Sở GD&ĐT TP.HCM nói về thực trạng thiếu giáo viên

(PLO)- Tại TP.HCM, các môn Tin học, Tiếng Anh và Nhạc họa đều thiếu giáo viên, nguồn tuyển đang rất khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-7, tại họp báo về các vấn đề KT-XH và công tác phòng, chống dịch, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, đã thông tin về thực trạng thiếu giáo viên trên địa bàn TP.

Theo ông Minh, thực trạng thiếu giáo viên không chỉ diễn ra vào năm nay, đặc biệt đối với giáo viên môn Tin học, Tiếng Anh và Nhạc họa, nguồn tuyển đang rất khó khăn. Tuy nhiên về phản ánh có trường không dạy được môn Tin học, ông Minh bác bỏ.

“Môn Tin học là môn bắt buộc, từ lớp 3 đến lớp 12. Dù khó khăn trong việc tuyển giáo viên nhưng ngành giáo dục vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ theo chương trình giáo dục” - ông Minh khẳng định.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: TTBC

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: TTBC

Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết nhu cầu tuyển dụng của năm học 2023 - 2024 là 4.466 giáo viên. Trong đó, khối Mầm non là gần 1.000 giáo viên, khối Tiểu học là hơn 1.600 giáo viên, THCS là hơn 1.700 giáo viên.

Hiện TP sắp bắt đầu kỳ thi tuyển viên chức trong tháng 7. Các quận huyện đã lên kế hoạch tuyển giáo viên, các ứng cử viên cũng đã nộp hồ sơ về Sở GD&ĐT. Năm nay, Sở đã thực hiện đầy đủ việc sắp xếp bố trí và linh động cho giáo viên thực hiện tất cả những môn thiếu.

“Việc thiếu giáo viên là chắn chắc xảy ra nhưng chất lượng giáo dục ở tất cả các trường trên địa bàn TP.HCM đến thời điểm này vẫn đảm bảo yêu cầu” - ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cho biết thêm, Sở GD&ĐT đã trình đề xuất, tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng dự án công trình trường học, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục.

Cụ thể, ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch được duyệt phù hợp với yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện. Trong đó tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có các khu công nghiệp, khu chế xuất (quận 7, 9, 12, quận Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh,...).

Sở GD&ĐT, kiến nghị TP.HCM có cơ chế giải pháp đặc thù, những chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính... để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công tư, kích cầu, xã hội hóa.

Cách tính chỉ tiêu sử dụng đất trường học phù hợp đối với các loại hình trường học ngoài công lập trong các đồ án quy hoạch phân khu; làm cơ sở tính toán, xác định nhu cầu và chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của từng quận, huyện. Các khu đô thị mới phải có quỹ đất để giao cho UBND quận, huyện làm nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng trường học.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ ngành và Chính phủ sửa đổi tại các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (các loại hình trường: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) từ diện tích đất tối thiểu thành diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ giáo dục và đào tạo; Có các giải pháp hỗ trợ các UBND quận, huyện tháo gỡ cho các dự án chậm triển khai, quỹ đất còn vướng do nhiều nguyên nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm