Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết như trên khi trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM chiều 13-10 về kế hoạch sắp tới của Sở trong việc quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT).
Theo ông Hoàng, về kế hoạch giải pháp sắp tới của Sở xung quanh chỉ đạo mới nhất của UBND TP về quản lý DTHT, Sở đang xây dựng và sẽ sớm có công văn hướng dẫn riêng về vấn đề này để các trường thực hiện. Tuy nhiên, quan điểm của Sở là sẽ quyết liệt chấm dứt tình trạng DTHT tràn lan và không đúng quy định, dần tiến tới hạn chế tối đa DTHT, nhất là chấm dứt DTHT theo số đông, tức là ai cũng đi học thêm, để làm sao DTHT trở về đúng nghĩa của nó.
Những giải pháp TP thực hiện theo quy định Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT và UBND TP về quản lý DTHT. Trước mắt, sẽ có những giải pháp quản lý chặt dạy thêm ngoài nhà trường, nhất là dạy thêm tại nhà; giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường trong việc quản lý giáo viên dạy thêm trong và ngoài nhà trường; nâng dần tỉ lệ trường và HS học hai buổi/ngày; đẩy mạnh các giải pháp về chuyên môn để xóa dần những tiêu cực trong DTHT đang còn diễn ra hiện nay.
Sở sẽ định hướng kế hoạch để nhà trường hạn chế việc giáo viên chấm điểm HS của mình, các đề kiểm tra định kỳ thì nhà trường ra đề chung, những kỳ thi lớn của năm có thể do Sở hoặc Phòng GD&ĐT ra đề để đảm bảo mặt bằng chung của toàn khối và Sở sẽ quản lý, giám sát việc ra đề của các quận, huyện. Cách ra đề cũng sẽ đổi mới; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực HS,...
Ngoài ra, Sở cũng đang lên kế hoạch sẽ kết hợp với một đơn vị khác lập trang web học trực tuyến cho HS khối THPT và GDTX. Trong đó tập hợp những giáo viên giỏi, tích hợp những bài giảng hay, những clip ôn tập, hệ thống bài tập, giải đáp thắc mắc... Từ đó, các em học và lấy tài liệu, tham khảo miễn phí.
Đặc biệt, các em có thể đăng ký học trực tuyến theo thời khóa biểu và chọn giáo viên để học theo từng nội dung cụ thể nhưng phải mất học phí nhất định để có nguồn thu trả cho đội ngũ. Như thế, các em học sẽ thuận tiện hơn, được tùy chọn nội dung mà các em cần học, những thầy cô giỏi sẽ có nhiều người học để nâng cao chuyên môn và có thêm thu nhập. Tất cả bài giảng sẽ được Sở thẩm định để giao cho một nhóm chuyên môn làm và quản lý.
Từ đó, các trường sẽ đầu tư xây dựng các trang web của trường, tích hợp hỗ trợ về học tập cho HS, tăng tính tương tác giữa nhà trường, phụ huynh và HS.