Sở Giáo dục Đào tạo Ninh Thuận giải thích về mức học phí tăng 5 lần

(PLO)- Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Ninh Thuận giải thích từ năm 2016 đến nay vẫn giữ nguyên. Vì vậy, học phí năm học 2022 – 2023 nằm ở mức tối thiểu của Nghị định 81 nhưng vẫn cao gấp 5 lần mức cũ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có quyết định số 24 quy định mức tăng học phí trong năm học 2022 – 2023 và vùng thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn.

Học phí tăng ở mức tối thiểu Nghị định 81

Theo đó, mức học phí năm học 2022 - 2023 sẽ được điều chỉnh đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông hệ công lập, giáo dục thường xuyên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Ninh Thuận, cho biết quá trình xây dựng việc tăng học phí đã được lấy ý kiến của địa phương, sở ngành liên quan. Sau đó, đề án được chỉnh sửa, đưa lên Cổng thông tin điện tử của UBND tiếp tục lấy ý kiến.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Thuận cho biết mức học phí năm 2022 - 2023 nằm ở mức tối thiểu của Nghị định 81. Ảnh: HUỲNH HẢI

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Thuận cho biết mức học phí năm 2022 - 2023 nằm ở mức tối thiểu của Nghị định 81. Ảnh: HUỲNH HẢI

Theo ông Phương, đề án thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân nhân tỉnh và được Sở Tư pháp thẩm định rồi mới trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ông Phương cho rằng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cân nhắc rất kỹ và đồng ý cho tăng ở mức tối thiểu so với Nghị định 81.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận giải thích theo quy định, học phí sẽ tăng theo chỉ số tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2016, tỉnh Ninh Thuận liên tiếp gặp hạn hạn sau đó là dịch COVID-19.

“Đến năm 2021 – 2022 vẫn giữ nguyên như năm 2016, thời điểm dịch COVID-19 còn miễn giảm cho học sinh. Vì vậy, bây giờ mức tăng mới gấp 5 lần”, ông Phương giải thích.

Ông Phương cũng cho hay quy trình tăng học phí được yêu cầu thực hiện vào năm học 2021 – 2022. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận nhận thấy tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống người dân nên tạm dừng.

Cũng theo ông Phương, việc đánh giá ảnh hưởng của tăng học phí thì phải đợi sau năm học. Tại Ninh Thuận, học phí sẽ được chi cho các hoạt động động giáo dục. Trong đó, 40% dùng vào các việc như cải cách tiền lương, 60% thực hiện theo cơ chế tự chủ. Năm học 2023 - 2024 học phí tiếp tục tăng theo lộ trình và không vượt quá 7%.

Hàng năm, UBND tỉnh Ninh Thuận duyệt chi 1.567 tỉ đồng cho giáo dục, trong đó 285 tỉ đồng cho cấp tỉnh.

Giáo viên, phụ huynh lo lắng mức học phí mới

Trao đổi với PLO, chị Nguyễn Thúy Hằng, phụ huynh tại huyện Ninh Sơn, cho biết có hai con đang học cấp 2 và 3. Theo chị Hằng chi phí sách vở, đồng phục, dụng cụ học tập đầu năm học mỗi em khoảng 1,5 triệu đồng.

Phụ huynh này cho rằng rất bất ngờ với mức tăng học phí. Chị lo lắng thời điểm này vật giá các mặt hàng đang tăng cao do xăng tăng, nếu học phí cũng tăng sẽ khiến gia đình rất khó khăn.

Ninh Thuận nhiều năm không tăng học phí. Ảnh: HUỲNH HẢI
Ninh Thuận nhiều năm không tăng học phí. Ảnh: HUỲNH HẢI

Một giáo viên Trung học Cơ sở cho biết nhà trường chỉ mới phổ biến mức học phí năm học mới cho giáo viên và học sinh, chưa thông báo cho phụ huynh. Theo giáo viên này, phụ huynh tại vùng 1 chỉ đóng 540.000/năm học đối với mức học phí cũ. Với mức học phí mới, phụ huynh phải đóng 2,7 triệu đồng/năm học.

“Mức học phí năm học mới lên đến 2,7 triệu đồng, chưa kể các khoản như bảo hiểm, sách vở, đồng phục”, giáo viên này nhận định.

Hiệu trưởng một trường Phổ thông Trung học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũng e ngại mức học phí mới sẽ khiến nhiều phụ huynh của trường gặp khó khăn khi cho con em đến trường.

Theo thầy hiệu trưởng, học sinh của trường phần lớn là dân tộc thiểu số. Trước đây, các mạnh thường quân hỗ trợ và mức học phí thấp nên nhà trường vận động các em đến lớp đông đủ.

“Trong tình hình tăng mức học phí như vậy, việc vận động phụ huynh cho con em đến trường sẽ rất khó khăn”, hiệu trưởng này cho biết.

Quyết định 24 ngày 6-5 của UBND tỉnh Ninh Thuận quy định mức học phí nhà trẻ và mẫu giáo công lập tại vùng 1 (thành thị) từ 306.000 – 330.000 đồng/tháng; vùng 2 (nông thôn) từ 102.000 đồng – 110.000 đồng/ tháng; vùng 3 (đặc biệt khó khăn dân tộc thiểu số và miền núi, bãi ngang ven biển) từ 51.000 – 55.000 đồng/ tháng.

Đối với cấp Trung học Cơ sở công lập và giáo dục thường xuyên mức thu vùng 1 là 300.000 đồng/tháng; vùng 2 là 100.000 đồng/tháng; vùng 3 là 50.000 đồng/tháng. Cấp Trung học Phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên vùng 1 là 300.000 đồng/ tháng; vùng 2 là 200.000 đồng/ tháng và vùng 3 là 50.000 đồng/tháng.

Mức thu học phí học trực tuyến bằng 75% so với mức thu của cấp học tương ứng trên. Riêng đối với cấp Tiểu học, mức học phí công lập quy định chỉ dùng để làm căn cứ để tính mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục và các đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm