Ngày 24-4, Sở GTVT Đắk Lắk cho biết sở không quản lý, không cấp phép cho bất cứ phương tiện thủy nội địa nào của Công ty CP quốc tế Sông. Đây là doanh nghiệp đang nạo vét hút cát tại hồ thủy điện Krông H’Năng mà báo Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh.
Tàu hút cát ở lòng hồ thủy điện Krông H'năng. Ảnh: VŨ LONG |
Theo Sở GTVT Đắk Lắk, nếu không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn tham gia giao thông đường thủy nội địa thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Về con đường dài 600 m mà doanh nghiệp dùng để vận chuyển cát, Sở GTVT Đắk Lắk cho rằng thuộc thẩm quyền quản lý của khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Việc sử dụng con đường này đã đưa vào phương án sử dụng được Cục Đường bộ Việt Nam đồng ý chủ trương bố trí điểm đấu nối tạm thời vào quốc lộ 29, có thời hạn một năm, kể từ ngày 1-1-2023.
Công ty CP quốc tế Sông Hồng vận chuyển cát trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Ảnh: VŨ LONG |
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Toản, đại diện Công ty CP quốc tế Sông Hồng, thừa nhận công ty ông này hợp đồng thuê ba tàu của Công ty PMP để thực hiện dự án nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng.
“Trong hợp đồng có ghi rõ, tàu bè phải có đăng ký, đăng kiểm thì mới được nạo vét. Nếu không, có chuyện gì thì Công ty PMP phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật... Tàu bè không có đăng ký, đăng kiểm thì ông đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”- ông Toản nói.
Công ty CP quốc tế Sông Hồng thuê phương tiện của doanh nghiệp khác để khai thác cát ở hồ thủy điện Krông H'năng. Ảnh: VŨ LONG |
Trao đổi với PLO, một lãnh đạo Sở TN&MT Đắk Lắk nói trước khi được cấp phép dự án nạo vét trên, doanh nghiệp phải chứng minh năng lực về tài chính, phương tiện, con người. Tàu bè nạo vét do Sở GTVT quản lý, sản phẩm nạo vét thuộc về Sở TN&MT quản lý.
“Có việc thẩm định năng lực chưa kỹ lưỡng, doanh nghiệp thuê mướn hoặc hợp đồng với bên A, bên B để có năng lực tại thời điểm cơ quan chức năng xem xét năng lực. Sau khi xem xét xong, cấp giấy phép xong thì lấy cái khác"- vị lãnh đạo Sở GTVT Đắk Lắk nói.
Như PLO đã phản ánh, năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho Công ty CP quốc tế Sông Hồng thực hiện dự án nạo vét hồ thủy điện Krông H’năng.
Mục đích của việc nạo vét là để khơi thông dòng chảy, phục hồi (tăng) sức chứa và khả năng thoát lũ thượng lưu hồ chứa. Quá trình thực hiện nạo vét còn tận dụng thu hồi khoáng sản… Thời gian thực hiện 5 năm, chỉ thực hiện trong mùa cạn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản ánh Công ty CP quốc tế Sông Hồng chủ yếu tập trung cho việc hút cát đem bán...
Mặt khác, việc cấp phép nạo vét lại ở lòng hồ thủy điện nhưng lại thực hiện đánh giá tác động môi trường ở lưu vực thượng nguồn.
Ngoài ra, Công ty CP quốc tế Sông Hồng còn tập kết vật liệu cát trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và không có bãi tập kết vật liệu khác. Với hai hành vi này, doanh nghiệp bị UBND huyện Ea Kar xử phạt tổng cộng 150 triệu đồng…