Từ khắp nơi trên thế giới, chỉ cần click chuột, người tra cứu sẽ có đủ thông tin về di sản văn hóa của TP.HCM. Toàn bộ sách của thư viện TP sẽ được số hóa. Việc đặt tên đường sẽ được hoàn thiện và có quy hoạch đến 2015.
. Phóng viên:Mới đây, Sở VH-TT&DL đã làm việc với Sở Khoa học-Công nghệ bàn việc cho ra đời bản đồ số quản lý di sản. Kết quả ra sao, thưa bà?
+ Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM: Chúng tôi đang làm bản đồ số về di sản. Những thông tin về các di tích, bảo tàng, những công trình nghiên cứu về văn hóa phi vật thể, kể cả việc đặt đổi tên đường (lý trình, lộ trình, tiểu sử tên đường) sẽ được cập nhật vào đây. Nếu người dân truy cập vào đây sẽ có thông tin về di tích, tiểu sử của từng con đường. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhập liệu các thiết chế văn hóa, các hoạt động nghệ thuật, du lịch, thắng cảnh… Bản đồ sẽ nối với website của thành phố, các website bảo tàng. Đây cũng là kho tư liệu cho những ai muốn nghiên cứu.
Cái nào có sẵn sẽ đưa ngay
. Bao giờ công việc này sẽ tiến hành, thưa bà?
+ Kế hoạch là hết năm 2013 làm xong bản đồ, sau đó sẽ cập nhật dữ liệu thường xuyên. Chúng tôi sẽ lấy khối di sản làm trước vì đã có nhiều tư liệu. Di sản vật thể thì có các di tích, các bảo tàng... Di sản phi vật thể thì đã có kết quả tổng điều tra về văn hóa phi vật thể trên địa bàn TP, trong đó có nghệ thuật truyền thống sân khấu cải lương; nghề và làng nghề truyền thống. Thí dụ qua cuộc điều tra về đờn ca tài tử, ở TP.HCM có đến 97 câu lạc bộ đờn ca tài tử, với tổng số thành viên hơn 1.100 người cùng nhiều tư liệu, hiện vật, nhạc cụ về đờn ca tài tử qua các thời kỳ. Trong năm 2013 sẽ điều tra về phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Kinh, Hoa và dân tộc khác trên địa bàn. Kết quả điều tra sẽ được đưa vào bản đồ di sản. Chúng tôi cũng đang kết hợp với thư viện thành phố đưa tất cả sách của thư viện thành một thư viện online trên bản đồ này.
Bưu điện TP, một công trình kiến trúc cổ chưa được xếp hạng di tích vì thiếu ý kiến của cơ quan quản lý. Ảnh: HTD
. Việc đặt, đổi tên đường của TP thời gian qua có nhiều bất cập. Liệu bản đồ di sản lần này có tính đến việc hoàn thiện và cập nhật tên đường không?
+ Chúng tôi đang làm dự án điều tra thực trạng đặt, đổi tên đường ở TP.HCM. Dự án sẽ đánh giá toàn bộ quá trình hình thành hệ thống tên đường từ thời Pháp thuộc đến giờ và định hướng đến năm 2025 sẽ có nguồn tên đường ra sao, định vị cụm tên đường thế nào (theo quá trình lịch sử, theo danh nhân, theo loại hình văn nghệ…). Tháng 12-2012 UBND TP đã trình Thành ủy tiêu chí đặt, đổi tên đường.
. Như vậy liệu có khả năng xáo trộn một số tên đường?
+ Nguyên tắc là không xáo trộn những tên đường đã có sẵn, đã in sâu vào tiềm thức người dân. Chỉ những cụm dân cư mới sẽ được ưu tiên đặt tên đường theo cụm. Ví dụ quận 2 đang đề nghị đặt tên đường những nhà văn, nhà thơ cho những khu dân cư mới.
Cảnh quan cổ không phải là di tích
. Bà có sốt ruột trước tình trạng “di tích” đang mất dần, không còn cơ hội xuất hiện trên bản đồ không?
+ Nói di tích mất dần là không đúng. Một công trình chỉ được gọi là di tích khi được công nhận di tích. Trong số 108 vị trí cần bảo tồn mà thành phố ra thông báo năm 1996, có những cái được ghi là “mảng cảnh quan tiêu biểu” như phố chợ cũ Sài Gòn (quận 1), khu phố cổ Chợ Lớn (quận 5)… không có trong định nghĩa về di tích trong Luật Di sản văn hóa. Trong 108 vị trí đó, chúng tôi đã xếp hạng 27 di tích, đưa vô quyết định kiểm kê di tích của TP là 31. Tức đã giải quyết 58/108 vị trí này. Còn những vị trí khác không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đưa vào diện di tích thì chúng tôi không thể giữ được.
. Cảnh quan xung quanh nhà thờ Đức Bà đang bị pha tạp, ngành văn hóa có trách nhiệm gì không?
+ Nhà thờ Đức Bà chưa phải là di tích nên chúng tôi không thể bảo vệ như một di tích. Theo quy định, muốn xếp hạng di tích phải có đơn của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý di tích. Do vậy nếu tổ chức, cá nhân này không muốn xếp hạng di tích thì cơ quan nhà nước khó có thể công nhận và xếp hạng di tích. Ví dụ nhà thờ Đức Bà đến nay vẫn chưa được xem là di tích vì tòa Tổng giám mục chưa có ý kiến. Hay như Bưu điện TP, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị xếp hạng di tích ra đơn vị chủ quản để bảo vệ nó như một di tích nhưng họ cứ trả lời rằng đang nghiên cứu (thực ra là họ muốn quy hoạch lại khu đất này). Hay như ở đường Võ Văn Tần có một căn biệt thự đẹp lắm, chúng tôi khảo sát để xin được xếp hạng di tích nhưng hộ dân này không có nhu cầu, đành bó tay. Đâu phải ngành văn hóa muốn giữ là được.
Làm hết mình giữ hồn đô thị
. Có bao giờ bà trăn trở trước việc giữ hồn đô thị trong áp lực xây dựng mới ở những khu đất vàng, đất bạc?
+ Nhiều chứ. Chẳng hạn như khi nghe nói khu đất ở Trường Lê Quý Đôn giao cho một đơn vị khác làm kinh tế, tôi vào trường, leo lên nóc nhà chụp ảnh xuống, tác động nhiều nơi, công luận lên tiếng, sau đó HĐND quyết giữ. Hay như dự án ở khu vực Ba Son, khi làm tuyến đường sắt đô thị người ta không biết trong đó có di tích. Tôi đã làm việc với nhiều bên để giữ di tích. Hay tuyến đường hầm đô thị dự định cắt qua Nhà hát TP, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo đề đạt để TP nắn đường hầm này né Nhà hát TP ra.
Cái gì chúng tôi được biết, được thông tin thì đã làm hết mình. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Viện Quy hoạch phát triển vùng Đông Nam Bộ làm quy hoạch khảo cổ trên địa bàn TP, định vị chỗ nào có di tích, có di chỉ khảo cổ để làm dấu, để khi nào xây dựng công trình chỗ đó thì chúng tôi phải can thiệp kịp thời.
. Có khi nào bà bị “mắng” vì “bảo thủ” giữ di sản, không để người ta quy hoạch cho phát triển kinh tế đi?
+ Tôi nhận được lời “mắng” của cả hai bên. Một bên nói sao mình không giữ, một bên trách sao giữ để làm gì. Tôi thì quan niệm ráng giữ được cái gì thì giữ cho thành phố có được hồn đô thị.
. Xin cảm ơn bà.
TP.HCM hiện có 143 di tích đã được xếp hạng. Hiện có 53 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích của thành phố đủ tiêu chí xếp hạng di tích nhưng chưa được xếp hạng để bảo vệ vì nhiều lý do như tổ chức, cá nhân quản lý di tích không hoặc chưa đồng ý xếp hạng; vướng đất thuộc dự án quy hoạch; chờ ý kiến cơ quan chủ quản, đơn vị quản lý trả lời; vướng mắc về đất đai… (Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di tích) |
THANH MẬN