Trong đó đã ghi nhận hai trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu với tác nhân gây bệnh chính là virus EV71. Trong khi đó số mắc sởi ghi nhận đến nay là hơn 4.500 trường hợp, trong đó có 139 trường hợp tử vong liên quan đến sởi.
Theo ông Phu, số mắc bệnh TCM cao và tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam (chiếm 80,4%), một số địa phương tăng cao như TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Bình Dương, Kon Tum.
“Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh, bệnh TCM lại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng. Trong khi đó điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ dịch gia tăng trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống” - ông Phu lo ngại.
Theo Bộ Y tế, hầu hết ca bệnh đều ở thể nhẹ, tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh vì vậy phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế lây lan.
l Riêng về bệnh sốt xuất huyết (SXH), theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 9.010 trường hợp mắc SXH tại 42 tỉnh, TP; trong đó có năm trường hợp tử vong tại Cà Mau, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM.
Số trường hợp mắc bệnh tập trung tại khu vực miền Nam (83,8%), sau đó đến khu vực miền Trung (12,9%). Mặc dù số ca mắc cả nước giảm 38,3% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng số ca mắc có tăng cục bộ tại một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu (tăng 36,7%), TP.HCM (tăng 32,2%), Bình Dương (tăng 28,8%), Bình Thuận (tăng 5,7%), Đồng Nai (tăng 2,5%).
Để chủ động phòng, chống SXH ngay từ đầu mùa dịch, Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân, virus và véctơ truyền bệnh trên cả nước, chỉ đạo địa phương phòng, chống và xử lý dịch kịp thời. Các nơi có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền tại các cơ sở điều trị để sẵn sàng thu dụng, cách ly điều trị bệnh nhân SXH như hóa chất, máy phun hóa chất, dụng cụ điều tra bọ gậy phục vụ công tác phòng, chống SXH, máy ly tâm, các test xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SXH…
Do bệnh SXH đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên Bộ Y tế đưa ra một số khuyến cáo. Đó là người dân phải đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn...
Đặc biệt, người dân phải ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không được tự ý điều trị tại nhà.
NGỌC BẢO - TTXVN