Ngày 4-8, tại phiên họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, bảy tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 8 năm 2022, lãnh đạo các sở, ngành TP.HCM đã phân tích về sự phối hợp chậm trong giải quyết công việc.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, phát biểu. Ảnh: TTBC |
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết quy trình cải cách hành chính có đủ nhưng chất lượng tham gia đóng góp ý kiến cần được nâng lên. “Các sở, ngành muốn công việc chạy nhanh, muốn bớt việc quay vòng qua lại thì việc góp ý, tham mưu UBND TP cần rõ ràng hơn” – ông Lâm nói và cho biết hiện nay có tình trạng khó khăn trong việc lấy ý kiến các sở, ngành.
Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP, cho rằng muốn công việc nhanh hơn thì phải tăng cường trách nhiệm của các sở chuyên ngành. “Hiện chúng ta phải hỏi rất nhiều, chúng tôi cũng phải hỏi các sở khác và điều này làm mất thời gian” – ông Vũ nói.
Ông nhìn nhận để giải quyết nhanh công việc mà không phải theo trình tự thì Thường trực UBND TP nên cho chủ trương một lần, các sở ngành sẽ báo cáo toàn bộ các đầu việc và trình bày một lần. Sau đó Văn phòng UBND TP cũng sẽ “chốt” một lần, còn các bước chi tiết giao cho giám đốc Sở chịu trách nhiệm thực hiện.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, phát biểu. Ảnh: TTBC |
Ông Vũ cũng nhìn nhận hiện nay ngân sách đã giao cho Sở Công thương nhưng sở này vẫn phải cứ “hỏi tới hỏi lui”, hỏi các sở khác góp ý, nếu không góp ý thì không làm được.
Còn ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP.HCM, đề xuất nên có quy chế tiêu chuẩn về giải quyết hồ sơ giữa các quận, huyện với sở, ngành.
“Các quận, huyện giải quyết hồ sơ cho dân thì dùng ISO nhưng giữa quận, huyện với sở, ngành thì chưa đảm bảo” – ông Hiếu nói.
Theo ông, trước đó TP có quy chế nếu sau 15 ngày quận, huyện gửi kiến nghị mà sở, ngành không có ý kiến thì được hiểu là sở, ngành đồng thuận. Ông Hiếu cho rằng có sự ách tắc trong phối hợp giữa các quận, huyện và sở, ngành. “Có trường hợp lên hỏi Sở, năm tháng sau Sở trả lời là cần hỏi ý kiến của Bộ” – ông Hiếu dẫn chứng.
Phát biểu kết luận luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận sau bảy tháng phục hồi và phát triển kinh tế, có nổi lên vướng mắc về vấn đề năng lực tiếp nhận, phối hợp, xử lý để công việc chạy nhanh hơn, thông suốt, hiệu quả hơn; để đầu tư công, đầu tư xã hội hiệu quả hơn.
Ông Mãi cho biết vướng mắc này một mặt là do việc phục hồi sau dịch mạnh mẽ nên khối lượng công việc nhiều; một mặt là do tinh thần trách nhiệm, chủ động rà soát công việc, chủ động phối hợp, tinh thần dám nghĩ dám làm trong giải quyết công việc… cần được phân tích ở từng cơ quan, đơn vị.
Ông đề nghị người đứng đầu các sở, ngành cần xem lại việc này. Đồng thời khi nhìn thấy sự việc này xảy ra ở cơ quan, đơn vị, địa bàn nào thì liên hệ ngay xem có xảy ra ở sở, ngành, địa bàn mình không. Ông cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần rà soát xem công việc còn tồn đọng bao nhiêu để phân công lại và giải quyết.
Quy hoạch TP.HCM bất cập so với thực tế
Tại buổi họp, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cho biết, ngành quy hoạch đã phủ kín quy hoạch phân khu TP từ năm 2012, là cơ sở pháp lý cần thiết để quản lý, kêu gọi, thực hiện đầu tư, thu hồi đất.
Tuy nhiên ông cho rằng ở thời điểm đó, việc phủ kín và lập quy hoạch chung cho TP trên điều kiện nhận thức và trình độ phát triển chưa đạt. Đến giờ này nhìn ra có nhiều điểm quy hoạch bất cập so với tình hình thực tế.
Trong đó, đất công không thể đủ cho tất cả chức năng đô thị như công viên, trường học, không gian công cộng, một số công trình buộc phải quy hoạch vào phần đất của người dân; khiến người dân than phiền.
Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch vẫn dựa vào ranh từng quận, huyện, mang tính co cụm từng địa phương.
Do đó, các quận nội thành tập trung phát triển đô thị; còn các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn là mảng xanh, chưa có sự đầu tư phát triển.
Ông Nhã cho biết dự kiến tháng 10-2023, Sở QH-KT TP sẽ trình quy hoạch chung TP. Tuy nhiên ông hứa với lãnh đạo TP sẽ rút ngắn việc này xuống còn chín tháng.