So sánh sức mạnh quân sự của Israel và Iran

(PLO)- Căng thẳng giữa hai ông lớn về quốc phòng ở Trung Đông là Israel và Iran đang leo thang, sức mạnh quân sự của hai nước này như thế nào khi so sánh với nhau?

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Iran theo thang sau màn trả đũa của Israel vào Tehran sáng 26-10 (giờ VN), câu hỏi về sức mạnh quân sự của hai quốc gia là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Theo đài CBC News, xét về tổng quan có thể thấy rằng Iran, với dân số gấp 9 lần Israel và quân đội lớn hơn đáng kể, có lợi thế hơn. Bảng xếp hạng của trang Global Firepower về sức mạnh quân sự các nước năm 2024 cũng cho thấy Iran có lợi thế về mặt nhân sự, vũ khí trên bộ và trên biển so với đối thủ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng con số không nhất thiết phản ánh toàn bộ bức tranh.

“Israel chắc chắn có công nghệ quân sự tinh vi hơn Iran. Họ có máy bay mới nhất, được trang bị tên lửa và bom hiện đại” - theo ông Shaan Shaikh, phó Giám đốc nghiên cứu của Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ).

Chuyên gia này cũng cho rằng hệ thống phòng không của Israel hiệu quả hơn và quan trọng hơn là Israel có nhiều đối tác quân sự hùng mạnh, đặc biệt là Mỹ.

Vậy thực tế thì Iran và Israel ai đáng gờm hơn?

Vụ nổ được cho là ở gần thủ đô Tehran (Iran) ngày 26-10 sau cuộc tấn công của Israel. Ảnh: THE JERUSALEM POST

Sức mạnh quân sự nhìn từ số liệu

Theo ước tính, Israel có khoảng 170.000 binh sĩ tại ngũ và 465.000 quân dự bị. Trong khi đó, con số của Iran là 600.000 binh sĩ tại ngũ, 350.000 quân dự bị và 220.000 lực lượng bán quân sự. Và với dân số gần 90 triệu người, so với 10 triệu người của Israel, Iran có lợi thế đáng kể.

Về các yếu tố khác, một số báo cáo cho rằng Iran có lợi thế về số lượng xe tăng, pháo binh và xe bọc thép.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS, Anh) cho rằng trải qua nhiều thập niên chống chọi với các lệnh trừng phạt, Iran đã không được tiếp cận với các thiết bị quân sự công nghệ cao mới nhất.

Trong báo cáo năm 2023, IISS chỉ ra rằng lực lượng vũ trang thông thường của Iran, mặc dù có quy mô lớn theo tiêu chuẩn khu vực nhưng “đang phải vật lộn với kho vũ khí ngày càng lạc hậu”.

Trong khi đó, một lợi thế rõ rệt của Israel là không quân, vốn được coi là một trong những lực lượng không quân tiên tiến nhất thế giới. Không quân Israel cũng sở hữu hàng trăm máy bay chiến đấu phản lực đa năng F-15, F-16 và F-35.

Theo IISS, dù có 37.000 nhân viên, nhưng Không quân Iran chỉ có vài chục máy bay tấn công đang hoạt động và đã được mua từ trước Cách mạng Iran năm 1979. Báo cáo IISS cho rằng Tehran có một phi đội gồm 9 máy bay chiến đấu F-4 và F-5, một số máy bay F-7 và F-14, cùng với một phi đội máy bay phản lực Sukhoi-24 và một số máy bay MiG-29.

Lực lượng ủy nhiệm

Lợi thế chính của Iran trước Israel là khả năng tấn công thông qua các lực lượng ủy nhiệm bao gồm các nhóm vũ trang Hamas (Dải Gaza), Hezbollah (Lebanon), Houthis (Yemen),...

“Nếu bạn nhắm vào Iran, thì thường là bạn đang nhắm vào các lực lượng ủy nhiệm của nước này” - theo ông Afshon Ostovar, PGS về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường hải quân Mỹ hệ sau cao học.

Ông Ostovar nói rằng điều đó phần nào đã giúp Iran tránh được “cái chết và sự hủy diệt mà nước này có thể phải đối mặt nếu trực tiếp tham gia vào tất cả các cuộc xung đột”.

Một cuộc chiến tên lửa

Vì Iran và Israel cách nhau hơn 1.000 km, với Iraq và Jordan ở giữa, bất kỳ cuộc xung đột nào cũng đều ít khả năng là chiến dịch trên bộ, thay vào đó sẽ là các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Lực lượng cứu hộ Israel kiểm tra hiện trường một tòa nhà trúng tên lửa Iran ngày 1-10. Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo năm 2021, Iran có kho vũ khí tên lửa lớn nhất và đa dạng nhất ở Trung Đông, bao gồm hàng nghìn tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình.

Nhưng báo cáo cũng cho biết Israel có một trong những kho vũ khí tên lửa tiên tiến nhất về mặt công nghệ ở Trung Đông.

PGS. Ostovar cho biết tác động từ các cuộc tấn công tên lửa của Iran là rất đáng kể nhưng cũng lưu ý rằng Tehran không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến chỉ bằng tên lửa.

“Tên lửa Iran có thể phá hủy mọi thứ nhưng tự thân nó không thể giành chiến thắng” - ông Ostovar nói.

Theo chuyên gia này, Israel cũng không thể đánh bại Iran chỉ với các cuộc tấn công bằng tên lửa, nhưng Tel Aviv có thể gây ra nhiều thiệt hại hơn cho Tehran vì Israel có thể tiếp cận Iran bằng máy bay F-35 và phóng tên lửa có độ chính xác cao”.

Hệ thống phòng thủ

Theo ông Ostovar, Israel có hệ thống phòng không tiên tiến với hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) - một trong những hệ thống phòng không tốt nhất hành tinh.

Israel cũng có hệ thống David's Sling có thể chống lại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm ngắn. Ở lớp cao nhất, tên lửa đánh chặn Arrow-2 và Arrow-3 của Israel được sử dụng để chống lại tên lửa đạn đạo tầm xa.

Israel cho biết hệ thống phòng không nhiều lớp của nước này đã đánh chặn hầu hết tên lửa mà Iran phóng vào hồi tháng 4 và tháng 10.

Về phía Iran, ông Ostovar nói rằng Tehran có một số hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga và có thể có một hệ thống S-400 “khá tinh vi” cùng với các hệ thống do nước này tự sản xuất.

“Những hệ thống này chủ yếu được đặt xung quanh các địa điểm chiến lược quan trọng như các địa điểm hạt nhân và dinh thự của lãnh tụ tối cao ở Tehran. Thế nên, chúng có thể bắn hạ máy bay và tên lửa, nhưng không thể đạt mức độ như Israel” - vị chuyên gia nói thêm.

Vũ khí hạt nhân

Về vũ khí hạt nhân, nhiều quốc gia phương Tây lo ngại Iran đang làm giàu uranium đến mức gần cấp độ vũ khí.

Israel cũng được cho là sở hữu nhiều loại vũ khí hạt nhân mặc dù nước này không thừa nhận.

Tuy nhiên chuyên gia Ostovar cho rằng không có khả năng Israel hay Iran dùng đến vũ khí hạt nhân.

“Hai nước sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân như một mối đe dọa. Và họ có lẽ cũng sẽ không sử dụng nó trừ khi có một số lý do hiện sinh để làm điều đó” - theo PGS Ostovar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới