Sở VH&TT giải thích chủ đề trang trí ánh sáng ở TP.HCM

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam đã có cuộc trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM về ý nghĩa của các công trình trang trí ánh sáng đường phố chào mừng tết Nguyên đán.

PLO xin trích lời giải thích của ông Võ Trọng Nam về ý nghĩa của các thiết kế ánh sáng tại các tuyến đường ở khu vực trung tâm. Ông Nam cũng cho biết sẽ điều chỉnh thiết kế ở đường Phạm Ngọc Thạch và Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Đường Phạm Ngọc Thạch: Chủ đề “Khát vọng Tuổi Trẻ

Đây là trục đường dành cho Thanh niên khi ở đó có Nhà Văn hóa Thanh Niên, Thành Đoàn, khu vực hồ con rùa. Nên nếu lại dùng các chi tiết búp măng, huy hiệu đoàn như mọi năm thì không mới. Vì vậy, hội đồng đã tìm ra thiết kế là những bông hoa mùa xuân đầy màu sắc, phát ra những sóng âm thành từng vệt, tỏa ra, tạo sự trẻ trung, tươi sáng, vui nhộn.

Hiện nay có nhiều ý kiến đóng góp cho rằng đường Phạm Ngọc Thạch có nhiều màu lòa loẹt quá. Hội đồng nghệ thuật đi thẩm định và cũng nhận ra điều đó. Vì vậy sắp tới Sở sẽ cho chỉnh sửa trên đóng góp đó, sẽ điều chỉnh cho màu sắc nhẹ nhàng hơn, ít màu sắc lại.


Đường Phạm Ngọc Thạch sặc sỡ ban ngày. Ảnh: LÊ THOA


Và ban đêm. Ảnh: LÊ THOA

Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ ngã tư Điện Biên Phủ đến Lê Lợi): Chủ đề “Hội nhập và Phát triển

Việc sử dụng các biểu tượng tròn, vuông, tia sáng biểu trưng cho trời, đất, sự giao thoa, đó là sự sống, là bánh giầy, bánh chưng và tia chớp. Đây là thiết kế rất lạ và mới, từ truyền thống bánh giầy, bánh chưng… nên mang nhiều ý nghĩa. Nhưng nhược điểm là thiết kế mang tính biểu tượng, ước lệ nên gây cảm giác khó hiểu, trừu tượng, "chưa đã". Nên Sở cũng rút ra kinh nghiệm là đừng dùng thiết kế trừu tượng quá mà gần gũi hơn.

Vì vậy, đoạn này sẽ được thay bằng thiết kế mới. Hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo UBND TP cũng đã đồng ý. Hiện đơn vị thực hiện đang trình lại thiết kế cho TP.


Thiết kế trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mang tính biểu tượng, ước lệ. Ảnh: LÊ THOA

Đường Nguyễn Văn Trỗi + Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ Võ Thị Sáu đến Hoàng Văn Thụ): Chủ đề “Năng động, sáng tạo

Biểu tượng là cổng chào dải lụa, có những hình người chào đón. Điểm chính kéo dài suốt tuyến là những bóng đèn. Bóng đèn tạo cảm giác mới lạ, là biểu tượng mang tính biểu trưng, thể hiện sự sáng suốt, sáng tạo, phát sáng.


Cổng chào trên đường Nguyễn Văn Trỗi + một phần Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ảnh: LÊ THOA


Với các bóng đèn tượng trưng cho sự sáng tạo, sáng suốt. Ảnh: LÊ THOA

Đường Trường Sơn: Chủ đề “Hữu nghị, hợp tác

Vừa bước xuống sân bay ra đường Trường Sơn sẽ thấy cổng chào rất lớn, hình cô gái Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá, có dòng lụa bay và cờ của các nước khối ASEAN. Đó biểu hiện cho sự trọng thị, đón tiếp khách, lời chào để khách nước đến Việt Nam.

Đường Đồng Khởi: Chủ đề “Thân thiện và an toàn”

Đây là con đường có nhiều khách nước ngoài đi bộ nên phải tạo vẻ thân thiện. Vì vậy dùng toàn bộ hoa mai thể hiện cái tết rạng rỡ bằng chất liệu hoàn toàn truyền thống.


Con đường Đồng Khởi dùng riêng một sắc hoa vàng. Ảnh: LÊ THOA

Đường Lê Duẩn: Chủ đề “Con đường chiến thắng”

Khi nói tới con đường Lê Duẩn là nhớ tới cuộc tiến công và chiến thắng năm 1975 nên dùng các chi tiết lá cờ nửa đỏ nửa xanh, ngôi sao vàng để trang trí.


Đường Lê Duẩn với biểu tượng lá cờ nửa đỏ nửa xanh, ngôi sao vàng. Ảnh: LÊ THOA


Đường Võ Văn Kiệt: Chủ đề “Trên bến dưới thuyền

Đây là con đường chạy dài theo dòng kênh Tàu Hũ - Bến Nghé. Ở đó có chợ hoa, những chiếc xuồng chở hoa biểu tượng chung cho ngày tết. Bố cục rất đẹp, dễ thương gắn với văn hóa lịch sử của Sài Gòn xưa.


Thiết kế có bến và thuyền trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: LÊ THOA

Đường Tôn Đức Thắng: Chủ đề “Vươn ra biển lớn

Đó là đường cặp bờ sông kết nối với đường Võ Văn Kiệt, gắn liền với cảng, bến Bạch Đằng nên biểu tượng là những cuộn sóng lớn, với cánh én có hoa mai của mùa xuân. Thể hiện TP phải hội nhập và biết vươn ra, với nền là màu xanh nước biển.


Thiết kế trên đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: LÊ THOA

Đường Lê Lợi: Chủ đề “Vươn tầm cao mới

Đây là con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa, kết nối giữa văn hóa truyền thống cũ là chợ Bến Thành với hiện đại là công trình Metro (là những trụ điện hướng lên).

Đường Trương Định: Chủ đề "Nghĩa tình"

Đây là con đường rất đặc biệt khi chạy giữa Công viên Tao Đàn - nơi tụ họp rất nhiều người dân TP, thể hiện tình cảm với nhau. Là con đường chạy tới thành công.


Con đường Trương Định

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới