Ngày 17-1, Sở VH&TT TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Di sản văn hoá TP.HCM năm 2025.
Tại hội nghị, bên cạnh báo cáo hoạt động của ngành Di sản văn hoá năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, vấn đề bảo tồn nhà cổ Vương Hồng Sển (quận Bình Thạnh) và lò gốm cổ Hưng Lợi (quận 8) nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Gấp rút khắc phục hậu quả nhà cổ Vương Hồng Sển
Theo ông Phạm Văn Hoa, Phó Trưởng phòng Văn hoá quận Bình Thạnh, nhà cổ Vương Hồng Sển do nhà nước xác lập quyền sở hữu theo Quyết định 54 ngày 17-2-2003) và Quyết định số 140/2003 của UBND TP.HCM.
"Từ khi xác lập quyền sở hữu đất đai thì TP không giao di tích này cho Sở VH&TT TP.HCM và quận Bình Thạnh trực tiếp quản lý vì trong 20 năm qua, các đồng thừa kế của cụ Vương Hồng Sển liên tục khiếu kiện. Về điều này, Toàn án TP đã thụ lý nhưng đến thời điểm hiện tại các bên đã rút đơn" - ông Phạm Thanh Hoa nói.
Theo ông Phạm Thanh Hoa, trong thời gian qua, các đồng thừa kế nhà cổ cụ Vương Hồng Sển đã cho một số người thuê sinh sống. Trong quá trình sinh sống, những người thuê này có những hoạt động xây dựng trái phép.
Năm 2015, UBND quận cũng đã có biên bản xử phạt về việc xây dựng trái phép cũng như tháo mái che sau nhà cổ Vương Hồng Sển.
Ngày 23-8-2023 và 2-9-2024, UBND quận Bình Thạnh đã ban hành hai quyết định là khắc phục thiệt hại ban đầu và cưỡng chế thực hiện khắc phục hậu quả, giao cho UBND phường 14 thực hiện cưỡng chế.
Sau khi có quyết định của UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 14 thực hiện các bước cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cưỡng chế có vướng phải một số vấn đề pháp lý.
Cụ thể, chi phí thực hiện cưỡng chế hơn 285 triệu đồng và theo quy định pháp luật số tiền này phải tiến hành đấu thầu. Thời gian đấu thầu ít nhất là 45 ngày, trong thời gian tổ chức đấu thầu thì phải được cấp kinh phí từ UBND quận.
Ông Hoa chia sẻ thêm: "Hiện nay, phường đang thực hiện các thủ tục kinh phí đấu thầu và sau đó tiến hành cưỡng chế theo quy định. Trong thời điểm cuối năm 2024 đến đầu 2025, chúng tôi đã tham mưu cho quận rất nhiều giải pháp, đồng thời phối hợp với các ngành, đoàn thể của phường xuống tiếp xúc vận động các hộ thuộc diện phải thực hiện quy chế di dời.
Quá trình tiếp xúc vận động, đa phần các hộ đều đồng ý. Tuy nhiên, họ bày tỏ mong muốn sẽ chấp hành sau khi ăn xong Tết và ngay khi bà VTVH - cháu cụ Vương Hồng Sển trả tiền lại thì họ sẽ di dời. Chính quyền cũng đã hướng dẫn tranh chấp dân sự riêng giữa các hộ. Phường quyết tâm hoàn thành các thủ tục chậm nhất là vào cuối tháng 3-2025".
Sẽ phục dựng một phần di tích lò gốm Hưng Lợi
Liên quan đến di tích lò gốm Hưng Lợi, đại diện Phòng Văn hoá quận 8 cho biết hiện tại xây tường rào, việc lắp đặt hệ thống camera cũng như hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, biển báo về di tích khảo cổ học ở lò gốm cổ Hưng Lợi, phường 16 đã xong. Tổng kinh phí thực hiện hơn 734 triệu đồng.
"Phòng Văn hoá quận 8 cũng đang theo dõi và tham mưu để thường trực UBND quận phối hợp với Sở VH&TT cũng như các bên liên quan xây dựng đề án quản lý lò gốm. Về công tác quản lý, Phòng Văn hoá quận 8 phối hợp và giao cho UBND phường 16 tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các luật về di sản…" - vị đại diện này cho hay.
Nói về di tích lò gốm Hưng Lợi, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM nhận định hiện trạng của di tích lò gốm Hưng Lợi hiện nay là một sự mất mát.
Theo ông Thuận, thời gian tới, sở cùng các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp phục dựng di tích lò gốm Hưng Lợi. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ khắc phục một phần chứ không thể toàn bộ. Do đó, sẽ có thêm giải pháp công nghệ để du khách, người dân hiểu trọn vẹn và chi tiết về di tích này.
Trong năm 2024, ngành Di sản văn hóa thành phố hoàn thành nhiều nhiệm vụ nổi bật. Ở lĩnh vực bảo tàng, các bảo tàng công lập đã sưu tầm 2.731 hiện vật, hình ảnh và tài liệu khoa học, trong đó có 1.451 hiện vật gốc.
UBND TP.HCM đã phê duyệt mua 268 hiện vật, với hơn 7,1 tỉ đồng cho 4 bảo tàng (Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM).
Để có nguồn trợ lực thiết thực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố, ngày 19-9-2024, UBND TP.HCM có công văn về việc tham gia Quỹ Bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy tham gia quỹ với tư cách Trưởng Ban sáng lập.