Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cùng các đơn vị, ban ngành liên quan và đại diện UBND quận 8 vừa có cuộc khảo sát thực tế lò gốm cổ Hưng Lợi.
Khu di tích lò gốm duy nhất còn sót lại tại TP.HCM
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM, cho biết xóm lò gốm là di tích thuộc về làng nghề rất nổi tiếng của Nam bộ Sài Gòn xưa. Đáng tiếc là hiện nay toàn bộ lò gốm cổ ở khu vực quận 11, quận 6 không còn nữa, chỉ còn lại di tích duy nhất là lò gốm cổ Hưng Lợi trên địa bàn TP.
Đây cũng là hệ quả hết sức rõ ràng về quá trình đô thị hóa của Sài Gòn. Hiện nay, hiện vật gốm Cây Mai (gốm Sài Gòn) có giá trị rất lớn về mặt lịch sử, khoa học và cả về mặt kinh tế.
Khai quật lò gốm cổ Hưng Lợi vào cuối năm 1997. Ảnh: UBND quận 8 |
“Lò gốm Hưng Lợi là nơi minh chứng cho quá trình chuyển biến từ sản xuất những cái lu đựng nước sang sản xuất các sản phẩm học tập từ người Pháp như muỗng, nĩa, ly… với men trắng.
Đây là một di tích rất quý nên Sở Văn hóa cũng như các nhà khoa học đánh giá rất cao giá trị khu di tích này, đồng thời đã cho phép làm hồ sơ và công nhận ngay, kịp với kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM” - TS Nguyễn Thị Hậu cho biết.
TS Nguyễn Thị Hậu chia sẻ về Lò gốm cổ Hưng Lợi. Ảnh: VÕ THƠ |
Sau khi khai quật di tích lò gốm Hưng Lợi, TS Nguyễn Thị Hậu đã giao quyền quản lý cho Sở Văn hóa và địa phương. Nhưng trong quá trình đô thị hóa, người dân đã vào vùng ven của lò gốm đào lấy phế phẩm lò để đắp đường, làm nền nhà. Nữ tiến sĩ đã nhanh chóng cảnh báo phía quản lý của địa phương và Sở Văn hóa.
Biến mất theo quá trình đô thị hóa
Trong buổi khảo sát khu di tích khảo cổ cấp quốc gia lò gốm cổ Hưng Lợi, ông Cao Thanh Bình cùng đoàn đã ghi nhận thực tế việc lấn chiếm của người dân xung quanh cũng như khu di tích đã dần biến mất theo quá trình đô thị hóa của địa phương.
Các sản phẩm của lò gốm cổ Hưng Lợi. Ảnh: UBND quận 8 |
Theo đó, so với giai đoạn được công nhận di tích khảo cổ học cấp quốc gia (1998) thì lò gốm cổ Hưng Lợi gần như hoàn toàn biến mất, hiện nay nó giống một khu vườn của người dân xung quanh.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Phùng Võ Minh Sơn, chuyên viên Phòng quản lý đô thị bảo vệ khu này, cho biết: “Từ khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, UBND quận 8 xây dựng bức tường để bảo vệ khu này với tổng diện tích 836 m2”.
Lò gốm cổ Hưng Lợi bị lấn chiếm bởi các căn nhà tạm. Ảnh: HÀ NGUYỄN. |
Khoanh vùng đến 10.000 m2 là không khả thi
Chúng ta cố gắng giữ lại nguyên thủy cái gốc của di tích lò gốm Hưng Lợi và khoanh ra một phần để làm những công trình phụ trợ phục vụ cho di tích, nếu chúng ta phát huy nó dưới góc độ giảng dạy, tuyên truyền và du lịch.Còn bây giờ chúng ta khoanh đến 10.000 m2 thì không khả thi bởi bảo tồn phải thỏa hiệp với sự phát triển chứ không thể nào bảo tồn toàn bộ.
TS NGUYỄN THỊ HẬU
“Trước đây, khu này có một miệng lò ở chính giữa nhưng đến năm 2017, khu di tích bị xâm phạm lần một, năm 2019 tiếp tục bị xâm phạm lần hai và hai lần đó thì UBND quận 8 đều có những chỉ đạo để xử lý các vi phạm” - ông Sơn nói thêm.
Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận 8, cho biết những việc phá hoại, xâm hại đó chưa đủ mức để có thể truy tố hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính.
Bảo tồn 1,65 ha khu di tích
Trước tình hình hiện tại, đại diện Sở VH&TT TP.HCM đã đề ra hai nội dung cần làm là phải điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích và thứ hai là phải có một dự án tôn tạo di tích.
Việc điều chỉnh, bảo vệ di tích, quận 8 đã rà soát, đề xuất ba phương án. Sở VH&TT nghiêng về phương án giữ 1,65 ha của khu di tích.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, đã đề nghị quận 8 sớm hoàn thiện báo cáo cho HĐND TP và đánh giá lại Nghị quyết 52 của HĐND TP về bốn nhóm vấn đề lớn, nhằm đánh giá thực trạng của TP.HCM trong việc bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc đô thị.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP, cùng các đơn vị, ban ngành liên quan khảo sát tại lò gốm cổ Hưng Lợi vào ngày 14-9. Ảnh: VĂN HÀ |
“Trong đó đối với địa phương, chúng ta phải báo cáo được thực trạng di sản cảnh quan kiến trúc đô thị của phường và quận mình như thế nào, về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể…
Trong di sản văn hóa vật thể, chúng ta phải báo cáo được hoạt động quản lý di sản ra sao rồi công tác khảo sát, giám sát các di tích của mình thế nào. Sau đó đánh giá về kết quả thực hiện công tác bảo tồn di sản. Qua đó, chúng ta nhấn mạnh được việc phát huy giá trị lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch” - ông Bình bày tỏ.
Đối với di tích khảo cổ học lò gốm Hưng Lợi, ông Bình bày tỏ sự đau lòng khi một khu di tích đầy ý nghĩa đang dần biến mất. Ông mong rằng mọi người phải có hành động “dù đã quá trễ nhưng đừng để trễ nữa”.
Còn ông Nguyễn Hữu Trung thì nêu quan điểm: “Trước mắt, chúng ta phải làm công tác tuyên truyền, vận động chứ không nên dùng những biện pháp mạnh”.
Xảy ra tranh chấp, xâm phạm đủ đường
Khu di tích bị xâm phạm nặng nề kể cả bảng tên. Ảnh: HÀ NGUYỄN. |
Đại diện Sở VH&TT TP.HCM cho biết khu vực bảo vệ di tích gồm khu vực 1 (10.000 m2) và khu vực 2 (40.000 m2). Sau khi khai quật xong khu di tích lò gốm Hưng Lợi, Sở VH&TT có thực hiện một dự án gọi là xây dựng nhà mái che cho công trình này. Trong quá trình xây dựng cũng đã xảy ra tranh chấp, cuối cùng việc làm cổng cho khu di tích cũng gặp vấn đề tương tự.
Đến năm 1999, mái che đã dần xuống cấp và sụp đổ, rồi theo thời gian người dân xâm phạm đến khu di tích càng nhiều. Những ngôi nhà tạm xây dựng xung quanh khu di tích vẫn “mọc lên như nấm”, ngay cả bảng tên của khu di tích này cũng bị xâm phạm.