“Số vụ án, vụ việc tạm đình chỉ tồn đọng còn nhiều”

(PLO)- Chính phủ đề xuất nghiêm túc xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có vi phạm trong quá trình quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình, kết quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

Hơn 175.000 vụ án, vụ việc tạm đình chỉ

“Tổng số vụ án, vụ việc tạm đình chỉ tồn đọng còn nhiều”- Báo cáo Chính phủ thừa nhận.

Chính phủ cho hay số vụ án tạm đình chỉ tính đến ngày 30-9-2023 là gần 110.000 vụ án/ 7.481 bị can. Các địa phương có số lượng vụ án tạm đình chỉ tồn đọng nhiều phải kể đến TP.HCM với gần 45.700 vụ/1.529 bị can, chiếm trên 41% về số vụ, trên 20% về số bị can của toàn quốc. Kế đó là Hà Nội với gần 9.940vụ/ 930 bị can, chiếm hơn 9% về số vụ, hơn 12% về số bị can của toàn quốc… Trong khi đó, số vụ việc tạm đình chỉ là hơn 65.200 vụ.

Bo-truong-Cong-an-To-Lam.jpeg
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình, kết quả công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo báo cáo Chính phủ, công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đáng chú ý, một số vụ án, vụ việc tạm đình chỉ xảy ra đã lâu nên khi có căn cứ phục hồi điều tra, xác minh, nhiều trường hợp người tố giác, các nhân chứng, người có liên quan đã chết hoặc không xác định được ở đâu. Nhiều trường hợp không hợp tác làm việc nên việc thu thập tài liệu bổ sung vào hồ sơ vụ án, vụ việc rất khó khăn, thậm chí không thể khắc phục để giải quyết dứt điểm.

Một số vụ án, vụ việc phải xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của người bị hại, nguyên nhân chết làm căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nhiều người bị hại từ chối giám định, thân nhân bị hại cản trở, không cho tiến hành khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết dẫn đến không đủ căn cứ giải quyết phải ra Quyết định tạm đình chỉ.

Báo cáo Chính phủ cũng chỉ ra rằng pháp luật hình sự chỉ quy định các trường hợp có quyết định truy nã thì không xác định thời hiệu; còn trường hợp có quyết định truy tìm thì vẫn tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Các đối tượng thường lợi dụng bỏ trốn, không hợp tác làm việc, dẫn đến hết thời hạn xác minh giải quyết nguồn tin chưa đủ tài liệu, chứng cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố, buộc phải tạm đình chỉ, từ đó làm tăng số lượng vụ việc tạm đình chỉ”- theo Chính phủ.

Đáng chú ý, một số vụ án, vụ việc liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự thường kéo dài, thậm chí không có văn bản trả lời, khi hết thời hạn điều tra vẫn chưa có tài liệu tương trợ tư pháp từ phía nước ngoài nên phải tạm đình chỉ điều tra hoặc chưa có căn cứ để phục hồi giải quyết dứt điểm.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định về việc quản lý, bảo quản đồ vật, tài liệu đối với các vụ việc tạm đình chỉ; đồng thời cũng chưa có hướng dẫn quy trình xử lý đồ vật, tài liệu, vật chứng đối với vụ án, vụ việc tạm đình chỉ đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự phải ra Quyết định đình chỉ điều tra, Quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc đối với các đồ vật, vật chứng mau hỏng hoặc khó bảo quản, bị hư hỏng không có giá trị hoặc không sử dụng được...

Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất

Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ chỉ rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Theo báo cáo, nhiều vụ án tạm đình chỉ, thời điểm xảy ra đã lâu, nhiều vụ thời gian tạm đình chỉ hàng chục năm, lý do chưa xác định được bị can, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ các thủ tục tố tụng và tài liệu, chứng cứ.

Về nguyên nhân chủ quan, Chính phủ đánh giá việc lập và quản lý hồ sơ vụ án, vụ việc tạm đình chỉ ở giai đoạn trước thiếu chặt chẽ, chưa khoa học nên tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, vụ việc được phục hồi sơ sài, không đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Điều này dẫn tới việc khắc phục những thiếu sót trong hồ sơ gặp nhiều khó khăn, có những trường hợp không thể khắc phục được.

Ngoài ra, một số đơn vị nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ nên chưa có sự quan tâm đúng mức. Cạnh đó, công tác quán triệt, triển khai còn chưa được thực hiện đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu sâu sát; không thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, phó mặc cho cán bộ dưới quyền, chờ đợi sự tham mưu từ cấp dưới mà không chủ động đưa ra yêu cầu công việc cần phải giải quyết…

Chính phủ đề xuất 8 nhóm giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Đáng chú ý, Chính phủ dự kiến tham mưu Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm nói chung và công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ nói riêng để tháo gỡ những bất cập trong thực tiễn.

Đối với vụ án, vụ việc mới thụ lý, Chính phủ cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng công tác xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm, công tác điều tra vụ án, đảm bảo việc ra quyết định tạm đình chỉ vụ việc, vụ án phải có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, tích cực, chủ động đôn đốc, khẩn trương áp dụng biện pháp nhằm khắc phục lý do tạm đình chỉ để có căn cứ phục hồi, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

Chính phủ cũng đề nghị VKSND Tối cao đẩy mạnh việc ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia, vùng lãnh thổ; tăng cường trao đổi, đôn đốc, yêu cầu nước ngoài trả lời kết quả tương trợ tư pháp để hạn chế phát sinh, tăng cường phục hồi giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc tổ chức xác minh truy bắt đối tượng truy nã có truy nã quốc tế qua kênh Interpol và các nước có biên giới với Việt Nam.

Chính phủ cũng đề xuất tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, điều tra xử lý tội phạm; công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ... ở mỗi cấp điều tra để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.

“Nghiêm túc xem xét kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm trong quá trình quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ”- báo cáo Chính phủ nêu.

Báo cáo Chính phủ cho hay lần đầu tiên, căn cứ quy định của pháp luật, ba ngành đã thống nhất khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đối tượng cầm đầu trong vụ AIC Đồng Nai), để kịp thời răn đe, phòng ngừa chung, xây dựng án lệ để áp dụng. Trong khi trước đây, một số vụ án khi đối tượng chính bỏ trốn thì các cơ quan tố tụng phải tạm đình chỉ, chờ truy bắt được đối tượng chính mới tiếp tục xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm