Sở Y tế TP.HCM nói về kế hoạch tiêm vaccine mũi 4

(PLO)-  Sở Y tế TP.HCM cho biết TP sẽ triển khai tiêm vaccine mũi 4 ngay khi Bộ Y tế cung cấp vaccine theo nguyên tắc “đơn vị nào chuẩn bị sẵn sàng, bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn thì tiêm".

Chiều 12-5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch trên địa bàn TP.

Tại buổi họp báo, bà Lê Thị Huỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế, đã thông tin về việc tiêm vaccine COVID-19 mũi 4.

Bà Lê Thị Huỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Theo bà Như, ngày 11-5, Sở Y tế có tờ trình 3088 trình UBND về dự thảo kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại lần hai (mũi 4) tại TP.

Đối tượng tiêm là người từ 50 tuổi trở lên, dự kiến hơn 1,8 triệu lượt người do UBND quận, huyện cung cấp; người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch và người trong nhóm nguy cơ cao, phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, tuyến đầu chống dịch, công nhân tại các khu công nghiệp…

Bà Như cho biết sẽ tiêm mũi 4 tại các quận, huyện; cơ sở tiêm chủng đối với người lao động làm việc tại đơn vị hoặc người đang điều trị nội trú tại đơn vị; tiêm tại điểm tiêm lưu động và tiêm tại nhà đối với các trường hợp di chuyển khó khăn.

Dự kiến sẽ triển khai tiêm ngay khi Bộ Y tế cung cấp vaccine theo nguyên tắc “đơn vị nào chuẩn bị sẵn sàng, bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn thì tiêm".

Loại vaccine sẽ dùng vaccine do các hãng Pfizer, Mordena, AstraZeneca sản xuất và vaccine cùng loại với mũi 3.

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết từ đầu năm đến 12 giờ hôm nay (12-5), TP có 7.129 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), so với cùng kỳ năm 2021 tăng 10,7%.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC, thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Trong đó, số ca nặng là 158 ca (tăng 532% so với cùng kỳ, 6 ca tử vong (tăng 200% so với cùng kỳ). “Số ca mắc tăng ít nhưng số ca nặng tăng hơn cùng kỳ rất nhiều, hơn năm lần” – ông Tâm nói và cho biết SXH là dịch bệnh rất đáng báo động. Hiện HCDC đang cùng lãnh đạo ngành y tế TP giám sát chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Ông Tâm thông tin thêm, SXH hiện chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị. Do đó, quan trọng nhất là phòng ngừa, diệt muỗi và lăng quăng, không để nước đọng là môi trường cho muỗi sinh sản. Khi trẻ em, người nhà có biểu hiện sốt, nhức mỏi, đau cơ khớp, có đốm xuất huyết trên da cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Về bệnh tay chân miệng, đến trưa nay TP ghi nhận 1.283 ca mắc (giảm 85% so với cùng kỳ), có hai ca nặng (giảm 94%) và không có ca tử vong. Hiện ngành y tế đang giám sát chặt tình hình tại các quận, huyện.

Nhiều biện pháp quản lý cơ sở thẩm mỹ ở TP.HCM

Về việc quản lý cơ sở thẩm mỹ, bà Lê Thị Huỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết không phải tất cả cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp đều thuộc quản lý của ngành y tế.

Chỉ có cơ sở khám chữa bệnh cung cấp dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa, nội khoa có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị can thiệp vào cơ thế người, làm thay đổi màu sắc da, cân nặng… thì phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật. Các nhóm còn lại sẽ cần giấy phép của UBND quận, huyện hoặc Sở KH&ĐT cấp.

Tuy nhiên, dù là loại hình nào thì Sở Y tế cũng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Sở Y tế đã gửi văn bản đến các quận, huyện yêu cầu tăng cường hậu kiểm các ngành nghề thẩm mỹ sau khi cấp giấy phép kinh doanh, xử lý nghiêm vi phạm và công khai việc xử lý.

Phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH, Công an TP… rà soát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo dịch vụ thẩm mỹ. Xử lý nghiêm vi phạm và công bố danh sách cơ sở đào tạo nghề đã được cấp phép.

Đối với các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ trên địa bàn TP, Sở Y tế sẽ kiểm tra, đánh giá chất lượng. Dự kiến bắt đầu từ ngày 16-5 và kết thúc trong Quý II-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới