Sớm cung cấp đăng ký trực tuyến với mọi thủ tục hộ tịch

(PLO)-  Bộ Tư pháp kiến nghị sớm hoàn thiện việc cung cấp đăng ký trực tuyến với tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch, để người dân đăng ký hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết sáu năm triển khai, thi hành Luật Hộ tịch, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với hàng chục triệu dữ liệu

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đánh giá Luật Hộ tịch có hiệu lực từ 1-1-2016 đánh dấu bước tiến quan trọng, góp phần bảo đảm thực hiện tốt các quy định của Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới về quyền con người, tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả đăng ký, quản lý hộ tịch trong cả nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc

Theo ông Nguyễn Khánh Ngọc, công tác hộ tịch luôn là “điểm sáng” trong công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, nhận được sự hài lòng của người dân.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp thừa nhận vẫn còn một số việc chưa được thực hiện tốt, thiếu thống nhất, hiệu quả. “Điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân gần 20 nghìn cán bộ tư pháp hộ tịch hiện nay đang phải đảm đương nhiều công việc, trong khi đó, điều kiện làm việc và các nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế”- ông Ngọc nói.

Dự thảo báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp cho thấy sau 6 năm triển khai thi hành, Luật Hộ tịch đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hộ tịch, tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, lâu dài cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch...

Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, tạo thuận lợi cho người dân. CSDL hộ tịch điện tử dần được hình thành với hàng chục triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử, nhận cha, mẹ, con, đăng ký giám hộ, đăng ký nuôi con nuôi, đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch tiếp tục được đẩy mạnh cải cách, tạo thuận lợi cho người dân. Tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh tăng hàng năm, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh đạt 98,8%. Cạnh đó là việc đẩy mạnh cung cấp các thủ tục đăng ký hộ tịch trực tuyến, nhất là 3 thủ tục thiết yếu: đăng ký khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn...

Công tác đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài có nhiều chuyển biến. Từ 1-1-2016 đến 30-6-2022, UBND cấp huyện trên toàn quốc đã giải quyết hơn 74.000 trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài hơn 27.350 trường hợp.

Tuyển dụng công chức tư pháp hộ tịch nhưng cho làm công tác khác

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Tư pháp cũng đánh giá quá trình thực hiện Luật Hộ tịch phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc.

Đáng chú ý, trong tổng số gần 10.600 đơn vị hành chính cấp xã, vẫn còn gần 3.550 UBND cấp xã (chiếm hơn 33%) chỉ bố trí một công chức tư pháp, hộ tịch, trong đó không ít đơn vị đông dân cư, số lượng công việc hộ tịch nhiều. Một số phòng tư pháp cấp huyện chỉ có hai biên chế, thậm chí có thời điểm chỉ có một biên chế.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng công chức đào tạo chuyên ngành khác được bố trí làm công tác hộ tịch; tuyển dụng công chức tư pháp hộ tịch song thực tế là cho làm công tác xã hội, công an xã hoặc công tác khác. Cạnh đó là việc cán bộ, công chức khác (công an xã, chỉ huy quân đội xã...) kiêm nhiệm chức danh công chức tư pháp- hộ tịch.

Dự thảo báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp cho biết có 40/63 tỉnh có cán bộ, công chức đang kiêm nhiệm chức danh tư pháp- hộ tịch.

Cũng theo Bộ Tư pháp, về trình độ chuyên môn, các địa phương chưa bảo đảm 100% công chức làm công tác hộ tịch có trình độ chuyên môn phù hợp. Trong số gần 18.360 công chức cán bộ hộ tịch toàn quốc thì hơn 17.300 người có trình độ từ trung cấp luật trở lên (chiếm hơn 94%), chuyên môn khác 993 người (chiếm 5,4%) và còn 22 người (0,1%) chưa qua đào tạo.

Cạnh đó, công chức tư pháp- hộ tịch còn bị luân chuyển, điều động, nhất là thực hiện Đề án đưa công an xã chính quy về xã dẫn đến tình trạng điều chuyển công an xã (chưa có chuyên môn, thiếu kinh nghiệm) sang làm công chức tư pháp- hộ tịch ở 62/62 tỉnh, thành phố.

Từ thực tế trên, Bộ Tư pháp đề xuất các cấp chính quyền địa phương cần quan tâm, bố trí mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một công chức chuyên trách về hộ tịch, đủ tiêu chuẩn theo quy định. Tương tự, các phòng tư pháp cần có kế hoạch sắp xếp, bố trí lượng biên chế phù hợp, đủ tiêu chuẩn chuyên môn Luật đảm đương khối lượng công việc.

Bộ Tư pháp đề nghị cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi có yêu cầu đăng ký hộ tịch. Theo đó, các địa phương cần đẩy nhanh việc số hoá sổ hộ tịch, bảo đảm lưu trữ đầy đủ dữ liệu của người dân, phục vụ tra cứu, kết nối, chia sẻ dữ liệu hộ tịch.

Đặc biệt, sớm hoàn thiện việc cung cấp đăng ký hộ tịch trực tuyến đối với tất cả các thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đăng ký hộ tịch không phụ thuộc vào nơi cư trú.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng hiện nay, công dân Việt Nam có thể đăng ký hộ tịch theo cách thuận tiện nhất, nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, theo bà, tỷ lệ đăng ký khai tử và một số sự kiện hộ tịch khác cần được cải thiện. Trong đó, vấn đề mấu chốt là thúc đẩy công tác phối hợp, quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí cho các địa phương.

Thời gian tới, trong quá trình tiếp tục thực thi Luật Hộ tịch và Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, bà Naomi Kitahara cam kết UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm