Bộ GD&ĐT vừa ban hành công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022.
Theo đó, việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được yêu cầu linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh.
Công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, cần tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi theo hướng chuẩn hóa phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ các môn học ở cấp THPT.
Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022-2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; tăng cường quán triệt Quy chế thi tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi.
Chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 (nếu có).
Ngoài nhiệm vụ liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm học 2021-2022, công tác quản lý chất lượng còn tập trung vào nhiệm vụ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thi và đánh giá; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; quản lý văn bằng, chứng chỉ; thực hiện công khai bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Hiện Bộ GD-ĐT chưa công bố phương án cụ thể tổ chức kỳ thi giai đoạn 2022-2025.
Trước đó, tại hội nghị về giáo dục đại học năm 2021 hồi tháng 8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ phải đổi mới để năng động hơn, thích nghi với bối cảnh dịch bệnh. Việc đổi mới này sẽ theo hướng tăng cường phân cấp cho địa phương.
Cũng theo ông Sơn, 2022 sẽ là năm có tính giao thời để chuẩn bị thực hiện đổi mới toàn diện vào các năm sau nữa. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lấy ý kiến các đơn vị để hoàn thiện phương án cụ thể về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trong thời gian tới.