Chợt thấy một cái bóng xiêu vẹo, ốm nhách, xấu xí tập tễnh đi bộ trên vỉa hè, âm binh lập tức tắp vào, kéo cái “bóng ma” kia lên xe. Nhưng chúng không ngờ bị “bóng ma” phản ứng dữ dội: “Tui là nhà văn Sơn Nam chớ đâu phải ma cỏ gì”!
Dân văn nghệ TPHCM bịa ra chuyện trên xuất phát từ hai “thuộc tính” của Sơn Nam là ông chỉ biết... đi bộ và có bộ dạng... xấu xí khó ai bì kịp! Thập niên 1980, chúng tôi hay gặp nhau ở hai tòa soạn là Báo Công An TPHCM và Báo Văn Nghệ TPHCM (lúc ấy nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, gần ngã tư Cao Thắng). Thế hệ nhà văn trẻ chúng tôi lúc ấy (Bùi Chí Vinh, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Tử Văn, Trần Hữu Dũng...) có khi ngồi hàng buổi “nói dóc” với Sơn Nam. Ở Sài Gòn, Sơn Nam rất nổi tiếng về “năng lực” đi bộ thuộc hàng thượng thừa, ông không hề biết đi xe dù chỉ là xe đạp. Bằng đôi chân, Sơn Nam đi khắp cái TP lớn nhất nước, có lẽ nhờ vậy mà ông có nhiều tư liệu về TP mà không phải ai cũng có được! Tưởng Sơn Nam đã yên vị độc tôn trên “ngôi vua đi bộ” nhưng sau 1975 TPHCM xuất hiện thêm 2 “vua đi bộ” khác là nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Hoài Anh từ miền Bắc vô. Sơn Nam nói vui: tưởng gì, cuốc bộ mà cũng có người giành!
|Hồi đó báo chí chưa “bùng nổ” như bây giờ, chỉ lèo tèo vài tờ báo là có đăng tải thơ, bài biên khảo... Báo CATPHCM ngay từ khi ra mắt đã rộng mở cánh cổng 110 Nguyễn Du với văn nghệ sĩ. Dù bận bịu đến đâu, anh Ba Ớt (Huỳnh Bá Thành, Tổng biên tập lúc ấy) luôn dành sự trọng thị khi tiếp các nhà văn, nhà thơ. Gần như lúc nào trong phòng làm việc của anh Ba cũng có một vài nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ: Sơn Nam, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng... và tất nhiên là cả nhóm tác giả trẻ chúng tôi. Chúng tôi luôn ganh tị với Sơn Nam vì bài vở của ông luôn được anh Ba Ớt ưu ái! Gần như số báo Xuân CATPHCM nào cũng dành chỗ đăng bài Sơn Nam. Báo Xuân là đặc sản của Sài Gòn, mỗi đợt báo Xuân, Sơn Nam luôn là người có lượng bài đăng nhiều nhất. Tuy nhiên phải nói thật, chưa bao giờ ông mời chúng tôi một cữ cà phê hay một chầu bia! Nhưng điều “keo kiệt” ấy ở “ông già Nam Bộ” không làm ai khó chịu, ngược lại chúng tôi khoái rủ rê ông theo để hóng những câu chuyện ngộ nghĩnh. Ông theo đám trẻ chúng tôi lê la từ 81 Trần Quốc Thảo (Hội LHVHNT TPHCM) đến “xóm nhà lá” 6C Tú Xương mà “chủ xóm” là cố nhà văn Ung Ngọc Trí “chuyên trị” bia “lên cơn” (bia lên men, rẻ tiền nhất trong các loại bia tự chế thời đó).
Sơn Nam nổi tiếng và luôn dễ nhận ra giữa đám đông vì... không lẫn vào đâu được. Thế nhưng gần như cả đời ông mãi trắc trở về gia cảnh, cô độc trong vòng tay chào đón rất đặc biệt của công chúng. Sơn Nam là một hiện tượng không thể có lần thứ hai trong văn đàn Việt Nam: Những gì ông viết ra rất bác học nhưng lại rất được người bình dân yêu thích!
Theo HỒ THI CA (CATP)