Sơn Tùng M-TP, Chi Pu - cần dán nhãn cho MV nhạy cảm

(PLO)- Việc Sơn Tùng M-TP, Chi Pu, Đạt G... gắn nhãn MV chỉ là cách thức cần thiết để “thanh lọc” người dùng phù hợp, chứ chưa phải là phương án triệt để.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời gian qua, khán giả yêu nhạc đã được thưởng thức những bữa tiệc âm nhạc đa màu sắc với sự trở lại của không ít ca sĩ đình đám sau thời gian dài vắng bóng.

Nhiều MV có nội dung bạo lực, nhạy cảm

Bên cạnh sự kỳ vọng thì tranh cãi cũng liên tục nổ ra bởi những hình ảnh bạo lực, nhạy cảm xuất hiện trong MV của các ca sĩ.

Cuối tháng 4, Sơn Tùng M-TP đã trở lại đường đua âm nhạc với ca khúc There’s no one at all sau hơn một năm vắng bóng.

MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP bị gỡ khỏi YouTube vì nội dung tiêu cực. Ảnh: M-TP

MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP bị gỡ khỏi YouTube vì nội dung tiêu cực. Ảnh: M-TP

Tuy nhiên, MV đã vấp phải làn sóng phản đối từ khán giả bởi những hình ảnh u ám, thông điệp tiêu cực. Giọng ca gốc Thái Bình đã bị Bộ VH-TT&DL xử phạt hành chính 70 triệu đồng. MV There’s no one at all cũng đã bị gỡ khỏi các nền tảng.

Tương tự, nam ca sĩ Jack đã đánh dấu sự trở lại sau hai năm vắng bóng với MV Ngôi sao cô đơn, thế nhưng những cảnh đập phá, cướp của, đối đầu với cơ quan chức năng… khiến khán giả cho rằng MV quá bạo lực, tiêu cực.

Nam ca sĩ Đạt G cũng đã hợp tác với Huỳnh James ra mắt MV Hula Hula vào tháng 7 vừa qua nhưng MV này cũng nhanh chóng gây tranh cãi.

Cụ thể, cảnh các cô gái mặc bikini nhảy nhót ở bữa tiệc cùng hình ảnh nhân vật nữ mặc đồ gợi cảm, hở hang khiến nhiều khán giả nhận định rằng MV phản cảm và hở hang quá mức.

Đầu tháng 8, Chi Pu trở lại với MV Black hickey (Con dấu chủ quyền) sau một năm vắng bóng. Thế nhưng ngay sau khi ra mắt, MV Black hickey đã gây tranh cãi lớn về hình ảnh, tình huống xảy ra trong câu chuyện của nhân vật. Thậm chí nhiều người cho rằng nữ ca sĩ đang cổ súy cho việc quấy rối tình dục nơi công sở. MV sau đó được gỡ khỏi YouTube, chỉ còn phiên bản dance.

Hình ảnh nhạy cảm trong MV Black hickey của Chi Pu bị chỉ trích. Ảnh: NSCC

Hình ảnh nhạy cảm trong MV Black hickey của Chi Pu bị chỉ trích. Ảnh: NSCC

Đây chỉ là những trường hợp điển hình trong vô số MV gây sốc, hình ảnh phản cảm và bị phản ứng trong thời gian qua. Mỗi MV đều có nội dung, thông điệp hình ảnh khác nhau và lý do vấp phải phản đối của khán giả cũng khác nhau, thế nhưng điểm chung ở hầu hết MV là đều không gắn thẻ giới hạn độ tuổi để phân loại khán giả cho phù hợp.

Kêu gọi khán giả... suy nghĩ tích cực

Trước những tranh cãi dành cho MV Hula Hula, Đạt G đã lên tiếng cho biết đây là sản phẩm tôn vinh sự tự tin. Trang phục của diễn viên nữ cũng được áp dụng theo hơi hướng Âu Mỹ, pha trộn họa tiết Barocco màu mè, dễ nhận diện.

Vì vậy, anh không nghĩ đến việc phải gắn nhãn và kêu gọi mọi người gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực. Hiện tại, MV Hula Hula vẫn còn trên nền tảng YouTube, cho thấy đây là MV không quá tiêu cực hay ồn ào để khiến các nhà chức trách vào cuộc.

Nhưng nếu các ca sĩ tự gắn nhãn cho MV của mình thì khán giả, đặc biệt là người trẻ sẽ có sự lựa chọn, cũng như lường trước được những gì họ sắp thưởng thức và tự quyết định xem hay không. Từ đó, những tranh cãi sẽ được hạn chế.

Còn với Chi Pu, Black hickey không phải là MV đầu tiên có hình ảnh nhạy cảm của cô. Nếu như ở MV Mời anh vào team em ra mắt cách đây ba năm được Chi Pu chủ động gắn nhãn 16+ thì với MV Black hickey cô lại không, làm dấy lên tranh cãi là điều tất yếu.

MV giàu thẩm mỹ đến đâu, phản ánh tài năng nghệ sĩ đến đó

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho biết: “Tôi cho rằng việc dán nhãn giới hạn độ tuổi tiếp nhận tác phẩm âm nhạc chỉ là giải pháp tạm thời chứ không hẳn là giải pháp bền vững. Cốt lõi vẫn là tài năng và đạo đức của những người làm nghệ thuật.

Khán giả chính là “bộ lọc sống”

Khán giả chính là “bộ lọc sống” đối với các sản phẩm âm nhạc. Nếu như khán giả thưởng thức âm nhạc càng khó tính, kỹ càng trong tiếp nhận các sản phẩm nghệ thuật thì môi trường nghệ thuật càng trong sạch và giàu giá trị.

Nhà nghiên cứu văn hóa
NGÔ HƯƠNG GIANG

Bởi vì một sản phẩm nghệ thuật chất lượng thì phải được ươm mầm từ người nghệ sĩ tài năng. Cùng với các giá trị câu từ, giai điệu thì việc tạo hình cho MV sẽ phản ánh đạo đức hướng đến xây dựng cộng đồng nhân văn. Thiếu tài năng và đạo đức thì MV của người nghệ sĩ sẽ không thể đóng góp và làm giàu nền văn hóa nghệ thuật. Nhưng về cơ bản thì việc gắn nhãn là cần thiết!”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nói thêm: “Một sản phẩm âm nhạc có giá trị trước hết nó phải hay về giai điệu, câu từ. Và tôi tin rằng khán giả bây giờ đủ thông minh để nhận biết đâu là sản phẩm âm nhạc giá trị và đâu là sản phẩm âm nhạc kém chất lượng. Mà cái gì tồn tại lâu dài với thời gian và trong lòng công chúng thì tất yếu nó phải có giá trị”.

Bên cạnh đó, anh cũng chỉ ra rằng để có thể hạn chế tốt nhất đối với các MV phản cảm thì cần có ba yếu tố: “Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của khán giả trong việc tiếp nhận các sản phẩm âm nhạc. Muốn làm được điều này thì vai trò truyền thông, định hướng thẩm mỹ đối với khán giả đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là thế hệ khán giả trẻ tuổi.

Thứ hai, phát huy vai trò của các cơ quan kiểm duyệt thông tin, văn hóa. Cần ban hành các chế tài nghiêm khắc, xử phạt nặng các sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, dung tục, phản cảm.

Thứ ba, cần nghiên cứu các giải pháp bồi dưỡng, đầu tư, động viên các nghệ sĩ chân chính, tài năng không ngừng nỗ lực lao động cho ra đời những sản phẩm âm nhạc chất lượng, đỉnh cao. Khi các sản phẩm âm nhạc đỉnh cao trở nên phổ biến thì tất yếu các sản phẩm kém chất lượng, phản cảm sẽ tự đào thải khỏi môi trường nghệ thuật”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm