'Sống chung với COVID' một cách bình tĩnh, tự tin

Nghị quyết 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã chính thức tạo ra khung hành động để cả nước cũng như từng địa phương có ứng xử phù hợp với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Mặc dù chỉ là “tạm thời không áp dụng” các chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng (ban hành tháng 3, 4-2020) và một phần Nghị quyết 86 của Chính phủ (tháng 8-2021) nhưng Nghị quyết 128 đã thay đổi hẳn tư duy phòng chống dịch.

“Hoạt động” - tinh thần bao trùm

Cụ thể, nếu từ khóa của các chỉ thị 15, 16, 19 và Nghị quyết 86 đơn giản là “giãn cách xã hội”, là “người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, xã cách ly với xã”… - nôm na là “ai ở đâu ở yên đó” - thì Nghị quyết 128 gần như từ bỏ khái niệm giãn cách chung chung.

Người dân đi mua lương thực, thực phẩm bằng thẻ xanh COVID tại Siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc (quận 3, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Từ khóa của Nghị quyết 128 là “hoạt động”. Hầu hết lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội được liệt kê, dù trong hoàn cảnh dịch bệnh nào, nguy cơ thấp, trung bình, cao hay rất cao đều vẫn được “hoạt động”. Chỉ là hoạt động bình thường hay có điều kiện hoặc hoạt động hạn chế.

Ngay cả khi nguy cơ dịch bệnh ở mức cao nhất - cấp 4 thì những lĩnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế như lưu thông, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, công trình giao thông, xây dựng… vẫn phải được đảm bảo hoạt động. Thậm chí nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống ở vùng dịch cấp 4 vẫn được hoạt động, dù phải hạn chế theo điều kiện do địa phương quy định phù hợp với tình hình...

Nếu chỉ lệnh “giãn cách”, “ai ở đâu ở yên đó” rất chung chung, dễ tùy nghi, mỗi nơi mỗi kiểu được áp dụng gần như không giới hạn, đến mức có lúc người thừa hành không phân biệt nổi bánh mì có phải là hàng hóa thiết yếu thì Nghị quyết 128 đã chia ra nhiều lĩnh vực để có ứng xử phù hợp. Trong đó, chỉ các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, quán bar… là về cơ bản bị hạn chế hoạt động, thậm chí ngừng hoạt động kể cả khi nguy cơ dịch ở cấp 1 thấp nhất.

Người dân, doanh nghiệp là chủ thể trung tâm

Đáng chú ý, nội dung Nghị quyết 128 đặt người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế vào đúng vị trí trung tâm, đúng vị trí của chủ thể chính trong trạng thái mới đời sống kinh tế - xã hội. Đây sẽ là “bình thường mới” của rất nhiều người làm kinh doanh, khi mấy tháng trước, họ bị đặt ở thế bị động, chịu sự quản lý, siết chặt do yêu cầu của giãn cách xã hội.

Không đi sâu vào các tiêu chí chuyên môn phân loại cấp độ dịch nhưng Nghị quyết 128 đưa ra quan điểm chỉ đạo rất mới cho các địa phương, đó là đánh giá cấp độ dịch ở quy mô cấp xã và khuyến khích nhỏ nhất, hẹp nhất có thể. Như vậy sẽ chấm dứt tình trạng xác định cấp độ dịch cao trùm lên cả những cụm dân cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp mà ở đó nguy cơ dịch thấp, gây ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt.

Thống nhất toàn quốc và linh hoạt cho địa phương

Thực tiễn đại dịch COVID-19 đến thời điểm này là khá đa dạng, có sự khác biệt giữa những tỉnh, thành mỗi ngày còn ghi nhận vài chục, vài trăm, đến cả ngàn ca F0 với những nơi nhiều ngày nay không phát hiện ca nhiễm mới nào. Chưa kể còn có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, giữa miền núi với đồng bằng, đô thị với nông thôn, khu vực sản xuất công nghiệp phát triển mạnh với nơi thuần nông.

Vậy nên Nghị quyết 128 là văn bản quy phạm pháp luật của trung ương áp dụng chung, thống nhất trong toàn quốc nhưng chỉ quy định khung, có tính nguyên tắc, định hướng và vẫn trao quyền khá chủ động cho UBND các tỉnh hướng dẫn chi tiết, phù hợp với tình hình của chính mình.

Địa phương có không gian chủ động nhưng “không trái với quy định của trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân”. Đây là hướng tiếp cận tinh tế, phù hợp với thực tiễn phân cấp hiện nay giữa trung ương - địa phương, nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Có hiệu lực ngay lập tức, giá trị của Nghị quyết 128 qua phân tích trên cho thấy với văn bản này, Chính phủ đã chính thức chuyển trạng thái toàn quốc từ “zero COVID” sang “sống chung” một cách bình tĩnh, tự tin.

 

“Tết này mình có thể về quê”

Không tránh khỏi trục trặc những ngày đầu để UBND các tỉnh, thành hướng dẫn chi tiết cho địa bàn mình, để Bộ Y tế và các ngành trung ương có văn bản hướng dẫn chuyên môn, chi tiết.

Tuy nhiên, với những thông tin tích cực về vaccine phòng COVID-19 sẽ về nhiều trong tháng 11 này, cùng theo đó là năng lực triển khai tiêm chủng của các địa phương đang được cải thiện, hoàn toàn có thể hy vọng rằng “tết này mình có thể về quê” - như lời một lãnh đạo Chính phủ chia sẻ với người viết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm