Sống chung với người bệnh tâm thần sao cho an toàn?

(PLO)- Khi người bệnh tâm thần có dấu hiệu bạo lực hay sống trong gia đình mà người bệnh bị ghét bỏ, bạo lực, họ sẽ dễ tấn công người khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, ở một số địa phương xảy ra nhiều vụ người có dấu hiệu tâm thần bất ngờ tấn công, gây thương vong cho những người xung quanh.

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với BS Giang Ngọc Thụy Vy, Trưởng Khoa tâm lý y học BV Tâm thần TP.HCM, xoay quanh câu chuyện này. BS Giang Ngọc Thụy Vy đã đưa ra một số lưu ý khi chung sống với người tâm thần trong cộng đồng.

Người dân đến khám chữa bệnh tại BV Tâm thần TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân đến khám chữa bệnh tại BV Tâm thần TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Cách nhận biết ngườimắc bệnh tâm thần

. Phóng viên: Làm thế nào để nhận biết một người có dấu hiệu bệnh tâm thần sống trong cộng đồng?

+ BS Giang Ngọc Thụy Vy (ảnh): Người bệnh tâm thần là những người có những rối loạn tâm thần. Rối loạn tâm thần có nhiều nguyên nhân nhưng nó không phải là do con virus hay một khối u nào đó gây ra mà đây là bệnh có những biểu hiện rối loạn về mặt nhận thức, hành vi, cảm xúc.

Người bệnh tâm thần là người hay lo âu quá mức, buồn chán kéo dài trong hai tuần, họ buồn đến mức không muốn tham gia bất cứ hoạt động nào, giảm giao tiếp với người khác, kể cả người thân của mình.

Người có vấn đề tâm thần thường sợ hãi một vấn đề nào đó quá mức như sợ nói chuyện với người khác, sợ đến những nơi công cộng,… Bên cạnh đó, người bệnh có những vấn đề về cách nhận thức hay suy nghĩ như bi quan, cảm thấy tội lỗi hoặc có những người quá tự cao so với thực tế. Có người luôn có ý nghĩ có ai đó đang hại mình, đang bị theo dõi và không ai giải thích được vì họ tin vào suy nghĩ của mình nhiều hơn.

Ngoài ra, có những người lại có những hành vi ra bên ngoài rõ luôn, họ có những thay đổi, rất dễ dàng bị kích động, la hét và không kiểm soát được hành động của mình.

Người bệnh càng bị kỳ thị, bị đối xử không tốt thì tâm lý của họ càng trở nên bất ổn, càng gây nguy hiểm trong cộng đồng.

Không được kỳ thị người bệnh tâm thần

. Đối với những người hàng xóm, người sống xung quanh khi tiếp xúc với người bệnh tâm thần thì cần lưu ý điều gì, để tránh rơi vào tình trạng bị người bệnh tấn công?

+ Hầu hết người bệnh tâm thần gần giống như người bình thường và chỉ một số tình huống đặc biệt thì người bệnh mới có biểu hiện ra ngoài có những thái độ, hành động, lời nói hơi khác thường.

Để được an toàn khi tiếp xúc với họ, trước tiên chúng ta phải cho người bệnh được an toàn. Chúng ta phải cư xử với họ nhưng những người bình thường. Thông thường, những người xung quanh sống gần người bệnh hay kỳ thị người bệnh. Chính vì sự kỳ thị ấy mà khiến cho người bệnh dễ nổi nóng, dễ có những phản ứng với chúng ta hơn.

Thường thì nhiều người nghĩ người bệnh tâm thần có những hành động tấn công người khác nhưng theo nghiên cứu khoa học trên thế giới thì người bệnh tâm thần bị bạo lực nhiều hơn. Người bệnh càng bị kỳ thị, bị đối xử không tốt thì tâm lý của họ càng trở nên bất ổn, càng gây nguy hiểm trong cộng đồng.

Chính vì thế, những người sống gần xung quanh nên có cách nhìn thoáng hơn, cởi mở hơn với người bệnh. Bệnh tâm thần là một căn bệnh cũng cần được điều trị như các bệnh lý khác, họ vẫn cần được tôn trọng, nhẹ nhàng. Đây là cách ban đầu phù hợp nhất để không bị tấn công.

Bên cạnh đó, khi gặp những người bệnh có xu hướng bạo lực, la hét, đây là bệnh lý nặng nên chúng ta nên tự bảo vệ mình, đừng cố chống đối với họ.

. Người thân cần ứng xử như thế nào đối với người nhà mắc bệnh tâm thần?

+ Vai trò của người nhà của người bệnh cực kỳ quan trọng, họ là người sẽ thấy những vấn đề về sức khỏe tâm thần. Người nhà nên hiểu người thân của mình để có sự lắng nghe, tôn trọng và có cách chăm sóc, trấn an. Khi người bệnh nói thì đừng vội vàng chỉ trích và đổ thừa mà hãy động viên họ. Đối với cộng đồng, cũng cần sự tôn trọng đối với người bệnh.

Lưu ý rằng người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Trong quá trình điều trị thì người bệnh không nên tự ý bỏ thuốc và nên có những trao đổi với bác sĩ để việc điều trị có hiệu quả hơn.•

Trách nhiệm khi người bệnh tâm thần gây thương tích
người khác

Theo khoản 1 Điều 22 BLDS 2015, khi một người do bị bệnh tâm thần, không làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người tâm thần, khoản 3 Điều 586 BLDS 2015 quy định: Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Như vậy, theo các quy định trên, khi người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (trừ trường hợp người giám hộ không có lỗi).

Hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần theo quy định tại khoản 1 Điều 585 BLDS 2015.

Về trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (căn cứ Điều 21 BLHS).

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm