Sóng thần làm 118 người chết

Ít nhất 118 người trên đảo quốc Samoa, Tonga và lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ đã thiệt mạng do sóng thần xuất hiện sau trận động đất 8,3 Richter xảy ra ở vùng biển thuộc Nam Thái Bình Dương sáng ngày 29-9.

Tâm chấn động đất cách quần đảo Samoa khoảng 200 km dưới độ sâu 33 km. Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cho biết sóng thần xảy ra 25 phút sau động đất.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến chiều 30-9, đảo quốc Samoa có 84 người chết, 150 người bị thương; lãnh thổ Samoa có 25 người chết, 50 người bị thương; Tonga có bảy người chết.

Sóng thần cao 3-6 m đã tàn phá nặng nề sau khi ập vào bờ biển đảo quốc Samoa và lãnh thổ Samoa của Mỹ. 22 ngôi làng phía nam đảo quốc Samoa bị phá hủy hoàn toàn. Xe cộ và nhiều nhà cửa bị cuốn trôi ra biển.

TP Ofunato ở miền bắc Nhật đã ra lệnh sơ tán 10.000 dân sau khi có cảnh báo nguy cơ sóng thần.

Đảo quốc Samoa đang kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp vì phần lớn cơ sở hạ tầng của đảo quốc này đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở lãnh thổ Samoa.

Các nhà khoa học cho rằng sóng thần xảy ra là do một đứt gãy nông trên vỏ Trái đất. Chuyên gia nghiên cứu địa chất Gary Gibson của Tổ chức Dịch vụ và hệ thống môi trường ở Melbourne (Úc) cho biết mỗi năm, khu vực Nam Thái Bình Dương thường chịu nhiều trận động đất có cường độ 7 Richter nhưng hiếm khi có động đất đạt cường độ 8 Richter. Theo ông, trận động đất mới xảy ra có thể gây ra một đứt gãy dài 200-300 km ở độ sâu 100-200 km và mỗi bên đứt gãy bị đẩy ra xa 4-7 m.

Năng lượng tỏa ra trong trận động đất tương đương 1/30 năng lượng trong trận động đất gần đảo Sumatra (Indonesia) cuối năm 2004 làm hơn 200.000 người ở châu Á thiệt mạng. Điều này có nghĩa sóng thần chỉ tác động ở khu vực địa phương chứ không thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước khác ở rìa Thái Bình Dương.

Dân ở các đảo gần khu vực động đất đã cảm nhận rung chuyển của trận động đất kéo dài ít nhất một phút. Đó là hiện tượng dự báo chắc chắn có sóng thần sắp xảy ra.

Chiều tối 30-9, Cơ quan Khí tượng Indonesia cho biết một trận động đất có cường độ 7,6 Richter đã xảy ra cách bờ biển Sumatra khoảng 50 km. Hàng trăm căn nhà trên đảo Sumatra đã bị phá hủy. 75 người chết hàng ngàn người bị kẹt trong đống đổ nát.

Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương đã phát đi cảnh báo sóng thần cho Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ nhưng sau đó đã dỡ bỏ.

Bão Ketsana tàn phá Lào và Campuchia

Ngày 30-9, bão Ketsana (tức bão số 9) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi tiến vào Lào. Mưa lớn xảy ra gây ngập lụt trên diện rộng ở hai tỉnh miền nam Xiangkong và Saravane. Chưa có thông tin về thiệt hại.

Trước đó một ngày, sau khi tàn phá ở Việt Nam, bão Ketsana tiếp tục hoành hành ở Campuchia làm 11 người chết, 36 người bị thương ở tỉnh Kampong Thom và tỉnh Ratanakkiri. 90 căn nhà ở tỉnh Kampong Thom bị phá hủy.

Bão Ketsana gây ngập lụt ở tỉnh Kampong Thom (Campuchia).
Bão Ketsana gây ngập lụt ở tỉnh Kampong Thom (Campuchia).

Tại Philippines, chính phủ và các tổ chức cứu trợ đang huy động mọi nỗ lực cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng cơn bão Ketsana. Số người chết ở Philippines vẫn không thay đổi (250 người). Thiệt hại do bão gây ra ước tính khoảng 100 triệu USD.

Trong khi hậu quả cơn bão Ketsana chưa khắc phục xong, bão Parma với sức gió 120 km/giờ đang đe dọa Philippines. Hiện bão Parma còn cách phía đông tỉnh Surigao del Norte 900 km và có thể mạnh lên thành siêu bão từ 2-3 ngày tới. Cho dù không đổ bộ vào Philippines, bão cũng có thể gây mưa lớn ở thủ đô Manila trong vòng ba ngày tới.

Ngày 30-9, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ cứu trợ khẩn cấp hai triệu euro cho nạn nhân bão Ketsana ở Việt Nam, Campuchia và Lào. Trước đó, EU cũng đã cứu trợ cho Philippines hai triệu euro.

LÊ LINH (Theo AP, AFP, DPA, ABC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm