Sony Việt Nam: Đánh thức đam mê khoa học trong mỗi trẻ em Việt

Ngày nay, cùng với sự phát triển của các thiết bị số thông minh, trẻ em có khuynh hướng ít vận động nên không phát huy được khả năng sáng tạo. Vì vậy, việc dạy cho các em tiếp cận khoa học từ nhỏ thông qua việc tự làm một chiếc tai nghe từ vật liệu tái chế, lắp ráp một chiếc máy ghi âm và sử dụng chiếc máy mà chính mình vừa tạo ra để thu âm... sẽ giúp cho các em tự tin với khả năng của chính mình. Qua đó, kích thích trí tưởng tượng, khuyến khích tình yêu khoa học và ý thức bảo vệ môi trường xung quanh.

Xuất phát từ cam kết “Vì thế hệ mai sau” của Tập đoàn Sony, sân chơi “Tìm hiểu khoa học cùng Sony” do Sony khởi xướng bắt đầu từ năm 2009 đã tạo cơ hội cho trẻ em khắp nơi trên thế giới tiếp xúc với khoa học và công nghệ. Sony đã có hướng đi đúng đắn trong hoạt động xã hội khi hiểu rằng tri thức khoa học chỉ thật sự tồn tại nếu được cho đi.

Các em học sinh thú vị với sản phẩm tai nghe do chính mình thực hiện.

Khởi nguồn của chương trình “Tìm hiểu khoa học cùng Sony” được xuất phát từ nhà sáng lập ra Tập đoàn Sony, ông Masaru Ibuka, tác giả của hai cuốn sách giáo dục nổi tiếng “Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn”, “Chiến lược của mẹ thay đổi cuộc đời con”. Nhà sáng lập của tập đoàn này luôn mong ước san sẻ tình yêu khoa học cũng như khơi gợi khả năng sáng tạo nơi thế hệ trẻ, giúp các em tự tin khám phá khoa học và sáng tạo nên những sản phẩm kỳ diệu trong tương lai.

Tháng 3 vừa qua, chương trình lần thứ tám đã tiếp tục tổ chức tại Việt Nam với chủ đề Hướng dẫn lắp ráp tai nghe dành cho 210 em học sinh lớp 6 đến từ 16 trường THCS ở TP.HCM, diễn ra tại Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp. Từ những vật liệu quen thuộc, dễ tìm như chai nhựa, giấy dán, dây đồng, cục nam châm... dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư và nhóm nhân viên tình nguyện Sony, các em đã ra tạo cho mình những chiếc tai nghe xinh xắn, vừa mang dấu ấn cá nhân, vừa giúp bảo vệ môi trường.

Em Nguyễn Trí Ngân, học sinh lớp 6/2 Trường THCS Yên Thế, quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Thường ngày em vẫn dùng tai nghe để nghe nhạc trên điện thoại, máy tính. Em nghĩ là nguyên lý làm ra tai nghe chắc phức tạp lắm, cần những máy móc hiện đại chứ không phải từ những vật dụng đơn giản, dễ kiếm như vậy đâu. Sau khi làm xong, em sẽ chỉ dẫn cho các bạn cùng lớp làm. Các bạn rất ghen tị khi em được chọn tham dự sự kiện lần này. Em mong có nhiều sân chơi khoa học để chúng em tham gia hơn nữa”.

Ông Phạm Phú Quốc Khánh, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp, đánh giá sân chơi khoa học do Sony tổ chức rất bổ ích cho học sinh. Ông nói: “Hiện nay trường cũng có một số hoạt động nhằm mở rộng hiểu biết về công nghệ cho các em nhưng rất hạn chế. Khi tham gia chương trình này, các em được trải nghiệm thực tế. Việc tiếp cận kiến thức khoa học mang tính chất thực hành hơn là lý thuyết sẽ giúp các em mở rộng được tầm hiểu biết, qua đó khuyến khích tình yêu, đam mê sáng tạo khoa học”.

Sau hơn một giờ mày mò chế tạo và hoàn thiện, được trải nghiệm âm thanh phát ra từ chính bộ tai nghe do mình làm ra đã khiến hầu hết các em nhảy lên vui sướng. Những em học sinh không làm đúng kỹ thuật được hướng dẫn nên loa nghe không rõ, rè tiếng thì quyết tâm về nhà tháo ra làm lại vì các em đã hiểu được nguyên lý làm ra một chiếc tai nghe.

Sân chơi đã kết thúc nhưng niềm vui làm ra được một sản phẩm khoa học sáng tạo thì chắc chắn vẫn còn đọng lại trong những bộ óc thơ ngây. Điều quan trọng hơn là các em đã có thể chạm đến khoa học và cảm nhận được rằng khoa học không hề phức tạp nhờ cầu nối chương trình của Sony. Hy vọng rằng khởi đầu khám phá tốt đẹp này sẽ là động lực, là hành trang giúp các em nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo nên những sản phẩm hữu ích khác ngay chính từ khởi đầu đơn giản này.

THANH NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm