Sri Lanka: Binh sĩ được phép bắn bất kỳ ai gây bạo động

(PLO)- Binh sĩ Sri Lanka được nổ súng bắn bất kỳ ai gây bạo động trong bối cảnh tình trạng bất ổn leo thang.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-5, Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho biết binh sĩ đã được lệnh nổ súng bắn bất kỳ ai gây bạo động để dập tắt tình trạng bất ổn, sau khi các cuộc bạo loạn và bạo lực chết người ở nước này đã khiến nhiều tòa nhà và xe cộ bốc cháy, theo hãng tin AFP.

Cụ thể, trong bối cảnh các lực lượng an ninh đang thực thi lệnh giới nghiêm, Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho biết binh sĩ "đã được lệnh bắn ngay lập tức bất kỳ ai cướp bóc tài sản công cộng hoặc gây nguy hại đến tính mạng người khác".

Các cuộc bạo loạn và bạo lực chết người ở Sri Laka đã lan rộng sau khi nhiều người đã thực hiện các vụ đốt phá nhà cửa và xe cộ. Ảnh: CNN

Các cuộc bạo loạn và bạo lực chết người ở Sri Laka đã lan rộng sau khi nhiều người đã thực hiện các vụ đốt phá nhà cửa và xe cộ. Ảnh: CNN

Cùng ngày, các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra bất chấp lệnh giới nghiêm. Một số người bất chấp lệnh bắn để đốt các tòa nhà và xe cộ. Một khách sạn sang trọng được cho là của một người họ hàng của cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa ở rìa rừng nhiệt đới Sinharaja đã bị phóng hỏa vào ngày 10-5.

Một đám đông khác đã tấn công và phóng hỏa chiếc xe chở cảnh sát cấp cao nhất của Colombo.

Ngày 10-5, cảnh sát cho biết 8 người đã chết.

Các sĩ quan đã bắn cảnh cáo và cử quân tiếp viện để giải cứu Phó Tổng thanh tra cấp cao Deshabandu Tennakoon, người được đưa đến bệnh viện nhưng sau đó đã được xuất viện.

Các nhân chứng còn cho biết các nhóm cảnh vệ đã chặn con đường chính dẫn đến sân bay Colombo để kiểm tra xem có bất kỳ người nào trung thành với ông Rajapaksa đang cố gắng rời khỏi hòn đảo hay không.

Ngày 10-5, con trai cựu Thủ tướng Sinharaja cho biết gia đình ông không có kế hoạch rời Sri Lanka bất chấp các các cuộc biểu tình đang lan rộng khắp đất nước, theo AFP.

"Có rất nhiều tin đồn rằng chúng tôi sẽ ra đi. Chúng tôi sẽ không rời khỏi đất nước" - ông nói, và lưu ý thêm rằng ông Mahinda sẽ không từ chức một nhà lập pháp và muốn đóng một vai trò tích cực trong việc lựa chọn người kế nhiệm.

Ông Mahinda đã được đưa đến một địa điểm bí mật sau khi những người biểu tình xông vào dinh thự của ông ở thủ đô Colombo.

Ngày 9-5, ông Mahinda đã quyết định từ chức. Tuy nhiên, điều này không thể dập tắt được sự tức giận của công chúng, khi anh trai ông - ông Gotabaya Rajapaksa vẫn là tổng thống và nắm giữ quyền lực phổ biến bao gồm quyền chỉ huy các lực lượng an ninh.

Hiện các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn để yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa từ chức.

Người biểu tình Chamal Polwattage (25 tuổi) cho biết anh mong đợi các cuộc biểu tình sẽ bùng phát trở lại và thề rằng họ sẽ không rời đi "cho đến khi tổng thống đi".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm