Khủng hoảng Sri Lanka: Giá nhiên liệu tiếp tục tăng mạnh ngay trước cuộc đàm phán cứu trợ với IMF

(PLO)-  Kể từ đầu năm nay, giá xăng ở Sri Lanka đã tăng 90% trong khi giá dầu diesel tăng đến 138%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một nhà bán lẻ nhiên liệu chủ chốt ở Sri Lanka hôm nay, 18-4, đã quyết định tăng giá tới 35% khi chính phủ nước này chuẩn bị mở các cuộc đàm phán cứu trợ quan trọng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Sri Lanka đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi độc lập khỏi Anh năm 1948. Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc thiết yếu ở đảo quốc Nam Á.

Người dân xuống đường phản đối chính phủ liên quan cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. Ảnh: AFP

Người dân xuống đường phản đối chính phủ liên quan cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, Lanka IOC, nhà bán lẻ nhiên liệu chiếm 1/3 thị trường nội địa ở Sri Lanka, cho biết họ tăng giá dầu diesel thêm 75 rupee lên 327 rupee/lít trong khi giá xăng tăng thêm 35 rupee lên 367 rupee (26.178 đồng).

Tập đoàn Dầu khí Ceylon do nhà nước điều hành, vốn chiếm 2/3 thị trường và đã áp dụng mức phân phối nhiên liệu theo khẩu phần vào tuần trước, đã không tăng giá ngay lập tức, nhưng hầu hết các trạm bơm của tập đoàn này đều không có hàng.

Lanka IOC, chi nhánh của Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ tại Sri Lanka, cho biết đồng nội tệ giảm giá mạnh đã buộc họ phải thực hiện đợt điều chỉnh mới nhất, ba tuần sau khi tăng giá 20%.

Kể từ đầu năm nay, giá xăng đã tăng 90% trong khi giá dầu diesel – loại nhiên liệu thường được sử dụng trong vận tải công cộng – đã tăng đến 138%.

“Việc phá giá đồng rupee hơn 60% trong một tháng qua đã buộc Lanka IOC tăng giá bán lẻ một lần nữa kể từ hôm nay (18-4)” – công ty cho biết.

Đoàn đàm phán Sri Lanka đến Mỹ

Việc tăng giá diễn ra khi tân Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry dẫn đầu một phái đoàn tới Washington (Mỹ) nhằm tìm kiếm gói hỗ trợ từ 3 tỉ đến 4 tỉ USD từ IMF để vượt qua cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán và tăng cường dự trữ đang cạn kiệt.

Tân Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry. Ảnh: IANS

Tân Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry. Ảnh: IANS

Tuần trước, chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố vỡ nợ quốc gia đối với khoản nợ nước ngoài khổng lồ của mình và Sở giao dịch chứng khoán Colombo thông báo giao dịch sẽ tạm dừng trong 5 ngày kể từ ngày 18-4 trong bối cảnh lo ngại về khả năng thị trường sụp đổ.

Sri Lanka phải trả 7 tỉ USD nợ trong năm nay. Đây là lần vỡ nợ đầu tiên của Sri Lanka trong lịch sử kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Hiện 22 triệu dân của đảo quốc này đang phải đối mặt tình trạng cắt điện kéo dài 12 giờ, khan hiếm thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc men.

Sri Lanka rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc khi đại dịch COVID-19 tấn công nước này, làm giảm lượng kiều hối của người lao động ở nước ngoài và làm tê liệt ngành du lịch, vốn là nguồn cung cấp USD chủ yếu cho nền kinh tế.

Chính phủ đảo quốc Nam Á đã áp đặt một lệnh cấm nhập khẩu rộng rãi vào tháng 3-2020 để tiết kiệm ngoại tệ. Hiện quốc gia này đang phải đối mặt mức lạm phát kỷ lục.

Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị tại Sri Lanka với việc người dân xuống đường phản đối việc cắt điện kéo dài trong nhiều tuần và tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác hàng ngày, hãng thông tấn Ấn Độ PTI đưa tin.

Đầu tháng này, toàn bộ nội các Sri Lanka - trừ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai của ông (Thủ tướng Mahinda Rajapaksa) - đã từ chức sau khi hàng nghìn người bất chấp tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm trên toàn quốc đã tham gia các cuộc biểu tình trên đường phố.

Tổng thống Gotabaya đã bãi nhiệm anh trai và Bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa vào đầu tháng này và mời các đảng đối lập thành lập một nội các thống nhất để xoa dịu sự bất bình ngày càng tăng của công chúng trước những khó khăn do khủng hoảng kinh tế gây ra. Tuy nhiên, phe đối lập đã từ chối đề nghị thành lập nội các thống nhất.

Giữa lúc Sri Lanka lâm cảnh thiếu hụt ngoại hối trầm trọng, Ấn Độ đã cung cấp khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD để giúp đảo quốc láng giềng nhập khẩu nhiên liệu - cứu cánh quan trọng cho nước này.

Ấn Độ gần đây thông báo cung cấp thêm khoản tín dụng 1 tỉ USD cho Sri Lanka như một phần của sự hỗ trợ tài chính dành cho nước này nhằm đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế hiện chưa tìm thấy lối ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm