Thủ tướng Sri Lanka từ chức giữa khủng hoảng nghiêm trọng

(PLO)- Đảng đối lập lớn nhất Sri Lanka tuyên bố không tham gia bất kỳ chính phủ mới nào do thành viên của gia tộc Rajapaksa lãnh đạo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-5, Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa đã quyết định từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực giữa những người ủng hộ ông và nhóm phản đối chính phủ vốn đã khiến 5 người thiệt mạng, bao gồm 1 nghị sĩ, và hơn 150 người bị thương.

Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Ảnh: AFP

Thủ tướng Sri Lanka Mahinda Rajapaksa. Ảnh: AFP

Người phát ngôn của thủ tướng Sri Lanka, ông Rohan Weliwita, cho biết ông Rajapaksa đã gửi thư từ chức tới Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, em trai ông, để mở đường cho việc thành lập một “chính phủ đoàn kết mới”.

“Việc tôi từ chức có hiệu lực ngay lập tức để ngài có thể chỉ định một chính phủ đoàn kết nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay” – Thủ tướng Rajapaksa viết trong thư từ chức gửi Tổng thống Sri Lanka.

Việc thủ tướng từ chức đồng nghĩa với việc nội các Chính phủ Sri Lanka giải thể, theo hãng tin AFP.

Động thái trên diễn ra sau khi những người ủng hộ ông Rajapaksa xông vào một địa điểm biểu tình quan trọng ở Colombo, thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của đất nước. Họ tấn công những người thuộc phe chống chính phủ, cũng như đụng độ với cảnh sát.

Đụng độ đã khiến ít nhất một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền thiệt mạng. Theo AFP, nghị sĩ Amarakeerthi Athukorala đã nổ súng và làm bị thương hai người cố chặn xe của ông. Sau đó, ông được phát hiện đã thiệt mạng khi đang trú ẩn tại tòa nhà bên cạnh.

Cảnh sát đã sử dụng hơi cay và vòi rồng để đẩy lùi đám đông. Lệnh giới nghiêm được áp đặt trên toàn quốc sau sự việc.

Trước các cuộc đụng độ, đảng đối lập lớn nhất của Sri Lanka tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ chính phủ nào do thành viên của gia tộc Rajapaksa lãnh đạo.

Ngày 6-5 vừa qua, Tổng thống Rajapaksa đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai trong vòng 5 tuần qua, trao nhiều quyền hạn cho các lực lượng an ninh để đối phó làn sóng biểu tình chống chính phủ đang dâng cao khiến đất nước rơi vào tình trạng đình trệ.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 8-5, Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho biết những người biểu tình chống chính phủ đã hành xử theo một “cách thức khiêu khích và đe dọa” và làm gián đoạn các dịch vụ thiết yếu.

Tổng thống Rajapaksa đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi hàng chục nghìn người cố gắng xông vào dinh thự riêng của ông ở Colombo vào ngày 31-3.

Hồi giữa tháng 4, Sri Lanka đã thông báo vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán tổng cộng 51 tỉ USD tiền vay nước ngoài. Bộ trưởng Tài chính Ali Sabry tuần trước cho biết Sri Lanka chỉ còn lại khoảng 50 triệu USD dự trữ ngoại hối có thể sử dụng được.

Các công ty năng lượng trong nước cho biết họ đang cạn kiệt nguồn dự trữ gas được sử dụng để nấu nướng. Đảo quốc Nam Á này cần ít nhất 40.000 tấn khí gas mỗi tháng và hóa đơn nhập khẩu gas hàng tháng sẽ là 40 triệu USD theo giá hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm