Tuyên bố vỡ nợ, Sri Lanka kêu gọi người dân sống ở nước ngoài góp tiền hỗ trợ

(PLO)- Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka kêu gọi công dân nước này sinh sống ở các quốc gia khác quyên góp tiền và gửi về để hỗ trợ chi phí mua xăng dầu, dược phẩm và các nhu yếu phẩm khác của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi thông báo vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài 51 tỉ USD, chính quyền Sri Lanka hôm 13-4 đã kêu gọi người dân sống ở nước ngoài của nước này quyên góp và gửi tiền về để giúp đất nước trang trải chi phí thực phẩm và nhiên liệu.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nandalal Weerasinghe cho biết ông cần người dân Sri Lanka ở nước ngoài "hỗ trợ đất nước trong thời điểm quan trọng này bằng cách quyên góp kiều hối càng nhiều càng tốt", hãng AFP đưa tin.

Lời kêu gọi của ông được đưa ra một ngày sau khi chính phủ tuyên bố đình chỉ việc chi trả tất cả các khoản nợ nước ngoài nhằm giải phóng nguồn tiền bổ sung hỗ trợ chi phí mua xăng dầu, dược phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Người dân Sri Lanka xếp hàng để chờ mua nhiên liệu ở thủ đô Colombo. Ảnh: REUTERS

Người dân Sri Lanka xếp hàng để chờ mua nhiên liệu ở thủ đô Colombo. Ảnh: REUTERS

Thống đốc Weerasinghe cho biết ông đã thiết lập các tài khoản ngân hàng để quyên góp ở Mỹ, Anh và Đức và hứa với những công dân Sri Lanka ở nước ngoài rằng số tiền này sẽ được sử dụng đúng chỗ.

“Ngân hàng đảm bảo rằng các khoản tiền kiều hối sẽ chỉ được sử dụng để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và thuốc" - ông Weerasinghe khẳng định.

Theo ông Weerasinghe, thông báo vỡ nợ hôm 12-4 sẽ giúp Sri Lanka tiết kiệm được khoảng 200 triệu USD từ các khoản thanh toán lãi suất sắp đến hạn, thêm rằng số tiền này sẽ được chuyển sang thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu.

Một nhà sư đang chuẩn bị tham gia cuộc biểu tình bên ngoài lối vào văn phòng tổng thống Sri Lanka ở thủ đô Colombo. Ảnh: AFP

Một nhà sư đang chuẩn bị tham gia cuộc biểu tình bên ngoài lối vào văn phòng tổng thống Sri Lanka ở thủ đô Colombo. Ảnh: AFP

Lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho đến nay vẫn nhận được sự hoài nghi từ những công dân của quốc gia này ở nước ngoài.

"Chúng tôi không ngại giúp đỡ, nhưng chúng tôi không thể tin tưởng chính phủ khi gửi tiền mặt của mình" - một bác sĩ người Sri Lanka sống ở Úc chia sẻ.

Một kỹ sư phần mềm người Sri Lanka ở Canada cho biết anh không tin rằng số tiền này sẽ được đưa đến hỗ trợ cho những người túng thiếu.

“Việc này có thể diễn ra giống như quỹ sóng thần” - ông nói, đề cập đến hàng triệu USD mà Sri Lanka từng nhận được sau thảm họa sóng thần tháng 12-2004, cướp đi sinh mạng của ít nhất 31.000 người.

Phần lớn các khoản quyên góp tiền mặt từ nước ngoài dành cho những người sống sót sau trận sóng thần được cho là đã vào túi của các chính trị gia, bao gồm cả Thủ tướng đương nhiệm Mahinda Rajapaksa.

Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948. Với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu cùng việc mất điện thường xuyên, cuộc sống của người dân đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Cuộc khủng hoảng khiến chính quyền Sri Lanka rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải đối mặt với các cuộc biểu tình dữ dội của công chúng yêu cầu chính phủ từ chức, vừa phải tìm đến các gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm