Khủng hoảng kinh tế trầm trọng, Sri Lanka cạn kiệt nguồn thuốc dùng trong cấp cứu

(PLO)- Hiệp hội Y học Sri Lanka cho biết tất cả các bệnh viện ở nước này đều rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn thiết bị y tế cũng như các loại thuốc quan trọng dùng trong cấp cứu và thuốc đặc trị các ca bệnh hiểm nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng tin AFP dẫn thông báo từ giới chức Y tế Sri Lanka hôm 10-4 cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế ở đất nước này đã khiến nguồn thuốc dùng trong cấp cứu dần cạn kiệt, có thể khiến số người chết tăng cao hơn so với do đại dịch COVID-19 gây ra.

Theo Hiệp hội Y học Sri Lanka (SLMA), tất cả các bệnh viện ở nước này đã không còn có thể tiếp cận với nguồn thiết bị y tế nhập khẩu cũng như các loại thuốc quan trọng dùng trong cấp cứu và thuốc đặc trị các ca bệnh hiểm nghèo.

Một số bệnh viện đã phải đình chỉ các cuộc phẫu thuật thông thường kể từ tháng trước vì không có đủ thuốc gây mê. SLMA cảnh báo ngay cả các hoạt động cấp cứu cơ bản cũng có thể sẽ sớm phải tạm ngưng vì thiếu trang thiết bị y tế cần thiết.

"Chúng tôi phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn. Chúng tôi phải quyết định ai sẽ được điều trị và ai sẽ không" - đại diện SLMA cho hay, sau khi công bố lá thư mà họ đã gửi cho Tổng thống Gotabaya Rajapaksa vài ngày trước đó để cảnh báo tình hình.

"Nếu nguồn cung thuốc và thiết bị y tế không được phục hồi trong vòng vài ngày tới, mức độ thương vong sẽ còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì đại dịch (COVID-19) gây nên" - SLMA nhấn mạnh.

Hàng nghìn người dân Sri Lanka đã bất chấp mưa lớn để tham gia cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng tổng thống ở thủ đô Colombo. Ảnh: AFP

Hàng nghìn người dân Sri Lanka đã bất chấp mưa lớn để tham gia cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng tổng thống ở thủ đô Colombo. Ảnh: AFP

Nhiều tuần mất điện và tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và dược phẩm trầm trọng đã gây ra cuộc khủng hoảng trầm trọng trên diện rộng ở Sri Lanka, quốc gia đang trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 1948.

Sự phẫn nộ của công chúng về cuộc khủng hoảng đã làm dấy lên ​​nhiều cuộc biểu tình lớn kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức. Hàng nghìn người đã bất chấp những cơn mưa lớn để xuống đường biểu tình bên ngoài văn phòng tổng thống ở thủ đô Colombo.

Nhiều nhà lãnh đạo của các doanh nghiệp cũng tham gia biểu tình kêu gọi tổng thống từ chức vào ngày 9 và 10-11, cho biết cuộc suy thoái kinh tế đã khiến hoạt động kinh doanh của họ bị tổn thất nặng nề.

Chính quyền ông Rajapaksa đang tìm kiếm gói cứu trợ từ IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế) để giúp đưa Sri Lanka thoát khỏi cuộc khủng hoảng, vốn đã khiến ​​giá lương thực tăng vọt và đồng nội tệ sụt giảm 1/3 giá trị trong vòng một tháng qua.

Tân Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry nói với quốc hội hôm 8-11 rằng ông hy vọng 3 tỉ USD viện trợ từ IMF sẽ giúp cho cán cân thanh toán của hòn đảo được cân bằng trong khoảng 3 năm tới.

Tình trạng thiếu ngoại tệ nghiêm trọng đã khiến Sri Lanka phải vật lộn để giải quyết khoản nợ nước ngoài 51 tỉ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka đã trở nên trầm trọng hơn do sự quản lý yếu kém của chính phủ, nhiều năm vay nợ tích lũy và việc cắt giảm thuế không khéo léo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm