Một công ty Trung Quốc đang yêu cầu cơ quan hữu trách Sri Lanka bồi thường thiệt hại vì từ chối lô hàng phân bón hữu cơ bị phát hiện có mầm bệnh trong một cuộc tranh cãi được cho là có thể tác động đến mối quan hệ giữa Colombo với Bắc Kinh.
Công ty Tập đoàn Công nghệ Sinh học Qingdao Seawin đòi Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Quốc gia Sri Lanka bồi thường 8 triệu USD cho những tổn thất và thiệt hại đối với danh tiếng của mình nếu không muốn phải đối mặt với hành động pháp lý, theo bức thư yêu cầu mà phóng viên hãng tin Bloomberg nhìn thấy.
Sri Lanka đang thúc đẩy canh tác hữu cơ. Ảnh: BLOOMBERG
Tranh cãi bắt đầu từ kế hoạch đầy tham vọng của Sri Lanka nhằm thúc đẩy canh tác hữu cơ bằng cách cấm nhập khẩu phân bón hóa học. Qingdao Seawin ban đầu thắng thầu cung cấp phân bón hữu cơ cho Sri Lanka theo chính sách mới này nhưng cơ quan trên cuối tháng trước phát hiện một mẫu hàng hóa chứa mầm bệnh, bao gồm cả vi khuẩn erwinia có thể gây mất mùa.
Lô hàng không được phép bốc dỡ ở Sri Lanka, khiến Công ty Phân bón Ceylon phải nhận lệnh tòa yêu cầu Ngân hàng Nhân dân (ngân hàng thương mại lớn thứ hai ở Sri Lanka) không thanh toán cho Qingdao Seawin. Không rõ liệu các điều khoản của hợp đồng có cho phép bên mua ngừng thanh toán hay không.
Trong thư yêu cầu đưa ra ngày 5-11, Qingdao Seawin đã bác bỏ kết luận của Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Quốc gia Sri Lanka rằng lô hàng có chứa vi khuẩn có hại, khẳng định công ty có trụ sở tại TP Thanh Đảo này tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn sản xuất quốc tế.
Trong khi chính phủ Sri Lanka sau đó đã yêu cầu Quingdao Seawin gửi một lô hàng mới để xét nghiệm thì đại sứ quán Trung Quốc tại Colombo lại lao vào cuộc tranh cãi bằng cách đăng bài tweet nói rằng Ngân hàng Nhân dân của Sri Lanka hiện đã bị đưa vào danh sách đen mà không đưa ra thông tin gì thêm.
Đến tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết lô hàng phân bón của Qingdao Seawin đã vượt qua cuộc kiểm tra của bên thứ ba và vấn đề đang được giải quyết. Người phát ngôn của bộ này, ông Uông Văn Bân khẳng định Trung Quốc “luôn coi trọng chất lượng hàng xuất khẩu”.
Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa được coi là người thân cận với Bắc Kinh và đã thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do. Nước này đã được thuyết phục tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với các dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng nợ và đang chật vật trả nợ khi dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt.
Sri Lanka đã ngừng nhập khẩu một số mặt hàng để củng cố dự trữ ngoại hối nhưng muốn tiếp tục nhập khẩu phân bón hữu cơ để hỗ trợ các đồn điền trà, cao su và dừa vốn là sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân và công nhân.
Với việc nguồn cung phân bón bị thắt chặt do lệnh cấm sử dụng sản phẩm phân bón chứa hóa chất, nông dân đã tổ chức các cuộc biểu tình phản đối vì một số vụ mùa bắt đầu thất bát. Chính phủ đã phủ nhận rằng lệnh cấm phân bón hóa học nhằm để hạn chế nhập khẩu, khẳng định kế hoạch ban đầu được thực hiện vào năm 2019 do Sri Lanka muốn trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất 100% nông sản hữu cơ
Không quân Ấn Độ hồi tuần trước đã gửi phân đạm cho nông dân Sri Lanka sau khi chính phủ nới lỏng một số biện pháp.