Sri Lanka giới nghiêm toàn quốc sau bạo động kinh hoàng

(PLO)- Sri Lanka đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc kéo dài đến sáng 11-5, triển khai hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát giữ an ninh khắp đất nước sau khi xảy ra vụ bạo động kinh hoàng hôm 9-5 khiến 7 người thiệt mạng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-5, Sri Lanka tuyên bố giới nghiêm toàn quốc, triển khai hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát giữ an ninh sau khi xảy ra vụ bạo động kinh hoàng ngày 9-5 khiến 7 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương, hãng AFP đưa tin.

Ngày 9-5, cảnh sát Sri Lanka đã phải bắn hơi cay và vòi rồng để giải tán các đám đông bạo động. Chính phủ tuyên bố lệnh giới nghiêm ngay lập tức ở thủ đô Colombo, sang ngày 10-5 áp dụng mở rộng trên toàn quốc.

Các văn phòng chính phủ và tư nhân, cũng như các cửa hàng và trường học đều được lệnh đóng cửa vào ngày 10-5. Chính quyền Sri Lanka cho hay lệnh giới nghiêm sẽ được dỡ bỏ vào sáng 11-5.

Vụ việc hôm 9-5 được xem là vụ bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều tuần biểu tình của người dân Sri Lanka khi quốc gia này đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Thủ tướng Sri Lanka - ông Mahinda Rajapaksa đã quyết định từ chức sau cuộc bạo động ngày 9-5, tuy nhiên việc này cũng không làm xoa dịu được sự tức giận của công chúng.

Lực lượng cảnh sát tìm cách kiểm soát dòng người biểu tình tại Colombo, Sri Lanka, vào ngày 9-5. Ảnh: AFP

Lực lượng cảnh sát tìm cách kiểm soát dòng người biểu tình tại Colombo, Sri Lanka, vào ngày 9-5. Ảnh: AFP

Theo AFP, ông Rajapaksa phải nhờ đến quân đội để được giải cứu trước bình minh ngày 10-5 sau khi hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ xông vào dinh thự của ông ở Colombo vào đêm 9-5. Cảnh sát và quân lính đã phải bắn hơi cay và bắn chỉ thiên để kiểm soát đám đông.

"Sau cuộc giải cứu trước bình minh, cựu Thủ tướng và gia đình của ông đã được quân đội sơ tán đến nơi an toàn. Ít nhất 10 quả bom xăng đã được ném vào khu dinh thự của ông ấy" - một quan chức an ninh hàng đầu của Sri Lanka cho biết.

Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã nổ ra hậu đại dịch COVID-19, khi nguồn thu nhập chính của hòn đảo từ các hoạt động du lịch và kiều hối bị dịch bệnh ảnh hưởng trầm trọng, khiến đất nước thiếu ngoại tệ cần thiết để trả nợ.

Tình trạng này buộc chính phủ Sri Lanka phải ngưng nhập khẩu nhiều mặt hàng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa trầm trọng, lạm phát và mất điện kéo dài. Đây được xem là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của đất nước kể từ khi nước này giành độc lập vào năm 1948.

Sau nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình ôn hòa chống chính phủ, bạo lực đã bắt đầu bùng phát vào ngày 9-5 khi những người ủng hộ Thủ tướng Rajapaksa di chuyển từ vùng nông thôn vào thủ đô để đối đầu với phe người biểu tình.

"Tất cả mọi người đều bị tấn công, giới truyền thông, phụ nữ và trẻ em đều bị ảnh hưởng" - một nhân chứng giấu tên kể lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm