Còn nhớ tháng 10-2015, lúc Huỳnh Văn Nén được trả tự do, ông Huỳnh Văn Truyện (cha ông Nén) lúc đó còn ở Cà Mau nhưng rạng sáng hôm sau, nhiều người ở xã Tân Minh (Bình Thuận) đã thấy ông xuất hiện với nụ cười rạng rỡ.
Lần đó, Huỳnh Văn Nén đã tựa vào vai cha cười rất tươi như một đứa con thơ biết ơn cha đã chở che.
Chính tôi là người chụp tấm ảnh trên và cứ băn khoăn mãi về đôi mắt nhìn xa xăm, buồn rười rượi của người cha trong ngày tự do của con mà trước đó ông còn bày tỏ hạnh phúc ngất trời.
|
Đôi mắt nhìn xa xăm, buồn rười rượi của người cha - ông Huỳnh Văn Truyện - trong ngày tự do của Huỳnh Văn Nén - con trai ông. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Có lẽ suốt thời gian gần hai năm khi chuẩn bị các thủ tục, đàm phán, thỏa thuận bồi thường oan là thời gian hạnh phúc nhất của cha con ông Truyện. Đi đâu cha con cũng có nhau, tay trong tay và Nén luôn cười ngỏn ngoẻn. Đó cũng là thời gian còn gắn bó, hạnh phúc giữa ông Nén và người vợ cùng các con bên căn nhà tình thương mới xây ở cạnh chợ Căn Cứ 6, Tân Minh.
Tháng 6-2017, 6 tháng sau khi ông Nén cùng vợ, con và ông Truyện được nhận bồi thường hơn 10 tỉ đồng, bi kịch đã xảy ra. Và cho tới lúc này, tôi mới hết băn khoăn về đôi mắt buồn rười rượi nhìn xa xăm của người cha dù đang ôm con trai vừa ra tù sau gần 18 năm không gặp.
Biết ông Nén bỏ vợ, con theo người tình mới nhưng ông Truyện vẫn cố níu kéo bằng cách bỏ ra 400 triệu đồng mua lại 11 công đất năm nào cầm cố kêu oan cho con để Nén về Cà Mau sinh sống gần mình. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, ông Nén lại bỏ cha mà đi.
Nhiều năm qua, ông Nén gần như bặt tăm, không ai trong gia đình có thể liên lạc được. Năm 2019, con trai út ông Nén bị bệnh chết, bà Cẩm - vợ ông cứ liên tục ra đầu ngõ trông ngóng chồng về nhìn mặt con lần cuối nhưng… không đợi được.
Tháng 10-2021, trước khi mất ở tuổi 91, cụ Truyện, người cha già nằm trên giường bệnh gắng gượng lắng nghe những tiếng bước chân của con trai vẫn còn xa lắc.
Thôi thì nước mắt chảy xuôi, cụ Truyện chưa phải là người cha hoàn hảo nhưng đã yêu thương, lo lắng và suốt hành trình kêu oan cho con trai, cụ đã luôn làm theo cách hoàn hảo nhất của mình.
Có lẽ cái chết của ông Nén, người buồn và thất vọng nhất chính là N - người tình của ông Nén; ông Nén chết - “tình yêu” cũng hết.
Vì “tình yêu”, ông Nén đã nộp đơn tố cáo cha và chị ruột mình có ý định “chiếm đoạt’ hơn 10 tỉ đồng tiền bồi thường. Chiếm đoạt ư, khi người cha già phải gạt nước mắt bán những công đất cuối cùng để làm lộ phí kêu oan cho con; chiếm đoạt ư, khi gần 20 năm trời người chị đã khóc hết nước mắt rồi ngã quỵ lúc chứng kiến em trai mình bước ra khỏi trại giam.
Thậm chí vì “tình yêu”, ông Nén còn chửi thẳng vào mặt ông Nguyễn Thận, người mà trước đó Nén luôn cung kính gọi bằng thầy, người đã đánh cược cả sinh mệnh chính trị để kêu oan cho Nén. Thực ra gia đình biết ông Nén “tưng tửng” nên muốn gửi tiền vào ngân hàng, lập sổ tiết kiệm, mỗi tháng lấy tiền lãi 20 triệu đồng thì ông Nén cũng đã có đời sống quá sung túc rồi. Họ muốn ông Nén sử dụng số tiền một cách bền vững nhưng ở đời đâu phải muốn là được.
|
Ông Nguyễn Thận (bìa phải), người mà trước đây ông Nén luôn cung kính gọi bằng thầy. |
Tháng 1-2022, ông Nén lại làm đơn kiện chị ruột mình ra tòa đòi 8,6 tỉ đồng còn lại vì trước đó ông Nén đã nhận 1,4 tỉ đồng tiền mặt. “Nay tôi nghe nói cha tôi đã chết năm 2011” (nguyên văn) nên đòi lại số tiền trên kèm tiền lãi hơn 4 tỉ; thiệt hại tinh thần 1,3 tỉ; bồi thường tiền sinh hoạt hàng ngày; tổn thất thực tế… Tổng cộng ông Nén yêu cầu tòa buộc chị mình phải bồi thường gần 15 tỉ đồng và ủy quyền cho một người đàn ông ở quận 9, TP.HCM thay ông ra tòa.
Thật ra ông Nén không được bình thường nên đáng thương hơn là đáng trách. Ngày chưa bị bắt trong vụ án ‘vườn điều”, ông Nén đi làm quần quật, trần lưng gánh nước mướn để kiếm tiền uống rượu. Trong xóm nhà nào có đám ma là có Nén đến phụ giúp chủ yếu để được gia chủ đãi vài chum rượu cho đỡ ghiền. Rượu vào, Nén coi trời bằng vung. Có lần làm mướn cả chục ngày ở Xuân Lộc, có tiền, cao hứng ông Nén về chợ Căn cứ 6 mua cả rổ hột vịt lộn, ngồi giữa chợ ai đi ngang cũng phát cho một trứng, không nhận là ổng chửi liền.
Ngày bà Bông bị giết, khi hay tin, ông Nén qua phụ khâm liệm nạn nhân rồi ngửa tay xin 2.000 đồng để “mua rượu uống rửa tội”. Suốt một thời gian dài, người ta vẫn không tìm ra hung thủ. Bữa nọ, sau chầu rượu, nén tưng tửng bảo mình “là người giết bà Bông chứ ai’. Không ngờ, lời nói chơi ấy lại khiến ông Nén mang họa, ông Nén bị bắt nhốt vì tình nghi giết bà Bông để lấy vàng bán kiếm tiền uống rượu…
|
Ông Huỳnh Văn Nén ngày ra tù |
Tháng 12-2015, khi ra tù được mời đi ăn ở một nhà hàng ở trung tâm Sài Gòn, ông Nén lén ra sân đốt thuốc lá hút. Phát hiện bóng bảo vệ đi ngang, ông Nén sợ hãi dụi điếu thuốc rồi chạy vào hổn hển nói nhỏ cho tôi biết mới hút vài hơi thuốc đã bị cán bộ viện kiểm sát (áo xanh) phát hiện!
Chỉ tội bà Cẩm, chồng đi tù, bà một nách với gánh bánh canh nuôi ba con thơ. Đến khi ông Nén được ra tù, những tưởng từ đây bà sẽ được đoàn tụ, sớm hôm vui vầy, hủ hỉ với chồng để bù đắp những tháng ngày một mình vò võ nuôi con trước đó... Thế nhưng niềm vui chẳng tày gang, ít lâu sau ông Nén lại bỏ nhà ra đi theo “tiếng gọi tình yêu”…
Giờ chắc bà Cẩm vẫn buồn nhưng có lẽ không còn đeo nhiều những khắc khoải, đớn đau nữa. Bà cùng các con đón thi thể chồng về mà không còn sợ bị ai giành giật nữa rồi...
Ở góc độ rất riêng, mong rằng đây là status cuối cùng tôi viết về “bi kịch Huỳnh Văn Nén”.
Vĩnh biệt ông, Huỳnh Văn Nén!