Ngoài ra, cũng có hai giải pháp nữa được đưa ra, đó là đã trải qua phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục) hoặc toàn bộ (phẫu thuật cả ngực và bộ phận sinh dục). Chỉ cần có xác nhận là đã kiểm tra tâm lý (theo bảng chuẩn) và được xác định là có mong muốn chuyển đổi giới tính, nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền ghi rõ nguyện vọng là có mong muốn được xác nhận là người chuyển đổi giới tính thì được công nhận là người chuyển đổi giới tính.
Tại hội thảo lần này, hầu hết ý kiến cho rằng nên chọn giải pháp thứ nhất, đó là sử dụng hoóc môn liên tục trong hai năm thì được công nhận là người chuyển giới. Còn nếu chọn giải pháp thứ hai thì không phải người chuyển giới nào cũng có đủ tiền để đi phẫu thuật và không phải người nào cũng bảo đảm sức khỏe để làm phẫu thuật.
Còn nếu chọn giải pháp thứ ba, sẽ dẫn tới có thể có sự lạm dụng để đề nghị giới tính mới nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự hoặc nhằm đạt được mục đích nào đó trong trường hợp thông đồng với cán bộ để có bản xác nhận đã kiểm tra tâm lý. Việc này dễ gây khó khăn trong quản lý, đặc biệt về hộ tịch do dễ dàng thay đổi giới tính, họ tên của mỗi cá nhân.
Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Chuyển đổi giới tính sáng 12-5
Về quy định tình trạng hôn nhân trước khi can thiệp y học để được công nhận là người chuyển giới, theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, sẽ có 3 giải pháp đề xuất để giải quyết. Giải pháp thứ nhất: Là người độc thân chưa từng kết hôn; Giải pháp thứ hai: Là người độc thân chưa từng kết hôn hoặc đã ly hôn và giải pháp thứ ba là không quy định tình trạng hôn nhân.
“Nhiều ý kiến cho rằng giải pháp thứ nhất là phù hợp nhất do nó có tác động tích cực là không làm phát sinh các quan hệ phức tạp sau khi được công nhận là người chuyển đổi giới tính. Hai giải pháp còn lại có thể sẽ gây sốc cho chồng hoặc con và gia đình những người chuyển giới. Ví dụ một người đang là mẹ của hai đứa con, bỗng một ngày họ chuyển giới thành đàn ông sẽ khiến chồng, con mình bị sốc nặng. Vậy nên nếu chuyển đổi giới tính thì nên là người độc thân chưa từng kết hôn sẽ dễ dàng hơn” - ông Quang lấy ví dụ.
Một chính sách nữa cũng được đưa ra bàn luận lấy ý kiến, đó là điều kiện đối với cơ sở KBCB được can thiệp chuyển đổi giới tính (CĐGT). Theo đó, người CĐGT phải đến các bệnh viện lớn có đầy đủ các khoa để tiêm hoóc môn, điều trị và làm phẫu thuật tạo hình thì mới cho phép CĐGT. Nhưng giải pháp này cũng vấp phải ý kiến của số đông người chuyển giới, bởi họ cho rằng sẽ mất nhiều thời gian, tiền bạc đi lại hơn hoặc phải chờ đợi lâu hơn do tình trạng quá tải của một số cơ sở được phép CĐGT…
Có 8 chính sách được đưa ra lấy ý kiến tại hội thảo để đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Trong đó có chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho kinh phí thực hiện kỹ thuật chuyển đổi giới tính. Nhiều ý kiến cho rằng người chuyển đổi giới tính phải chi trả toàn bộ mà không được thanh toán BHYT. Bởi đây là nhu cầu cá nhân của mỗi người chứ không phải là một dạng bệnh lý để được thanh toán bảo hiểm.
Tuy nhiên, những người CĐGT có mặt tại hội thảo lại cho rằng BHYT nên thanh toán một phần, bởi hầu hết những người CĐGT đều gặp khó khăn về kinh tế. Dù họ có bằng cấp nhưng xin việc làm ở đâu cũng không được nhận. Hoặc nếu có đi làm thì đối với những người chuyển giới từ nam sang nữ phải làm những công việc rất nặng nhọc, vất vả. Nhiều người muốn sống với giới tính thật nhưng chỉ đủ tiền tiêm hoóc môn mà không có tiền phẫu thuật chuyển giới. Do vậy, họ cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc thanh toán BHYT.
Theo BS Nguyễn Quang, khoa Nam học BV Hữu Nghị Việt Đức, Hà Nội, phẫu thuật chuyển giới không khó nhưng hành trang mà người chuyển giới trang bị cho mình phía sau là gì. Bởi nhiều người sau khi chuyển giới đã bị sốc vì không được chuẩn bị sẵn tâm lý, không hòa nhập được với cộng đồng do bị kỳ thị, nên đã có trường hợp tự tử vì không chịu được áp lực sau khi chuyển giới…