Hội nghị và triển lãm quốc tế Trải nghiệm năng lượng xanh và hiệu quả 2013 vừa diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM vào cuối tuần qua. Chương trình thu hút đông đảo khách tham dự với nhiều hoạt động hấp dẫn. Được biết đây là chuỗi sự kiện được triển khai trên toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức về năng lượng, phát triển bền vững.
Nguy cơ mất cân đối cung cầu
Tại triển lãm, khách tham quan có cơ hội nắm bắt các thông tin hữu ích, trải nghiệm công nghệ mới thông qua các chủ đề như tiết kiệm năng lượng, giải pháp thanh dẫn điện tiếp xúc đồng, quản lý điều khiển tự động hóa ngành khách sạn, quản lý tòa nhà thông minh, giải pháp ngành nước, năng lượng mặt trời… Ông Xavier Denoly, đại diện ban tổ chức, cho biết môi trường kinh tế, chính trị, xã hội ngày nay đang đặt ra những sức ép nhất định trong việc ưu tiên các biện pháp và hành động ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Đặc biệt là tại các thành phố lớn và khu đô thị. Theo ông, khái niệm sử dụng năng lượng hiệu quả không chỉ nhắm đến các tổ chức về môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các thành phố, doanh nghiệp và mọi tầng lớp công dân. Thông qua các hoạt động hợp tác, chúng ta có thể chia sẻ kiến thức và xây dựng một kế hoạch cụ thể để tạo nên những thay đổi tích cực.
Khách tham quan triển lãm về năng lượng xanh. Ảnh: SCHNEIDER ELECTRIC
Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào gồm than, dầu, khí đốt, thủy điện, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ khiến nhu cầu năng lượng tăng theo. Trong tương lai nhu cầu sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn cung cấp trong nước.
Ông Nguyễn Văn Long, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, cho biết nếu so sánh với mức tiêu thụ hiện tại, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015 và năm lần vào năm 2025. Nếu như vấn đề tiết kiệm năng lượng không được quan tâm đúng mức, chúng sẽ tác động nặng nề lên nền kinh tế quốc dân, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, tốc độ tiêu thụ năng lượng còn cao hơn 1,7-1,8 lần tốc độ phát triển kinh tế. Hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu năng lượng nhưng dường như sẽ có sự thay đổi khi nước ta nhập trở lại dầu thô, than và những nhà máy thủy điện lớn cơ bản sẽ hoàn thành vào năm 2017. Về điện, sự mất cân bằng trong cung cầu do thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng. Việc gia tăng mạnh mẽ tiêu thụ năng lượng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của ngành công nghiệp.
Quản lý năng lượng hiệu quả
Chia sẻ về tính cấp bách của nhu cầu năng lượng xanh, hiệu quả, ông Cù Huy Quang, chuyên gia tiết kiệm năng lượng, Tổng cục Năng lượng, cho biết: “Trong giai đoạn 2010-2020, Việt Nam xuất hiện sự mất cân đối cung cầu các nguồn năng lượng nội địa. Đến năm 2030, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chuyển từ nước chuyên xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu nếu tình hình sử dụng năng lượng đang diễn ra như hiện nay, từ doanh nghiệp đến hộ gia đình. Chúng ta cần có những cách tiếp cận thông minh để giúp các doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là ở các khu đô thị đang phát triển mạnh của Việt Nam, quản lý năng lượng hiệu quả và nhận thức được tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng cũng như tích cực áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng”.
Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều chương trình hướng đến sử dụng nguồn năng lượng hợp lý, hiệu quả. Trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai thực hiện sâu rộng và đạt những thành công nhất định. Tuy nhiên, chương trình sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nếu có sự chung sức, chung lòng của cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội. “Tất cả mọi người đều đóng vai trò tích cực trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sự hợp tác giữa Chính phủ, chuyên gia năng lượng và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng để triển khai thành công chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng bền vững” - ông Quang nhấn mạnh.
NGỌC CHÂU