Sự háo danh còn tiếp tục đến đâu?

Tình hình có đúng như vậy hay không?

Tôi e rằng không đúng. Công luận đã than phiền và rất bức xúc xung quanh các lễ hội vừa qua. Chúng ta đều biết lễ hội là nơi hội tụ sức mạnh của cộng đồng cũng như các giá trị văn hóa được gìn giữ và lưu truyền từ nhiều đời. Đến với lễ hội chính là việc con người tiếp xúc và chiêm nghiệm cả một nền minh triết Việt Nam có bề dày hàng ngàn năm, đã hình thành sâu thẳm từ nền văn minh lúa nước, đã được hun đúc từng trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc. Lễ hội trước hết là văn hóa, tâm linh nhưng chúng ta đã để các lễ hội biến tướng ra sao?

Đáng lẽ là nơi giáo dục lòng yêu nước, hào khí Đông A (lễ hội hiện nay) lại cổ súy cho mua bán ấn triện và thăng quan tiến chức. Người ta đem tiến cúng cho Quốc tổ Hùng Vương những gì? Năm trước là chiếc bánh chưng khổng lồ, năm nay là chai rượu to tướng! Những sự háo danh đó còn tiếp tục những chiêu thức gì nữa, còn bao nhiêu trò nhố nhăng, dung tục khác đã phô bày ra trong lễ hội mà báo chí đã không ngớt nêu lên? Tình hình đó trách nhiệm thuộc về ai?

Đất nước ta có rất nhiều lễ hội nhưng ông bà tổ tiên ta ngày xưa đã quản lý và tổ chức lễ hội rất tốt. Lễ ra lễ, hội ra hội, việc nào cũng có nghi thức lề luật, đâu phải buông tuồng, dung tục, nhố nhăng và mê tín như ngày nay. Quản lý và tổ chức lễ hội đâu chỉ có việc lo sân bãi, giữ xe và thu các loại tiền. Ý nghĩa và giá trị nhân văn của lễ hội đã không được làm thấm đậm trong nhận thức, trong tâm hồn và hành vi của người đi trảy hội.

Tôi đề nghị ngành chức năng cần rút kinh nghiệm nghiêm túc để chấn chỉnh tình hình này. Nên nhớ rằng lễ hội không chỉ là văn hóa, nó còn là biểu hiện của mặt bằng đạo đức xã hội. Việc quản lý và tổ chức lễ hội như thế nào sẽ biểu hiện chính đạo đức của người quản lý và tổ chức lễ hội đó.

HUỲNH NGỌC ĐÁNG (*)

(*) Nguyên tổng biên tập báo Bình Dương, đại biểu Quốc hội Bình Dương. Bài phát biểu đọc tại phiên thảo luận Quốc hội sáng 27-5. Báo Pháp Luật TP.HCM lược ghi và đặt đầu đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm